Năm 2012, sau khi VietinBank huy động thành công 250 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu quốc tế đã làm dấy lên hy vọng về kênh huy động vốn mới khả thi. Một số ngân hàng khác cũng dự kiến phát hành trái phiếu quốc tế ngay trong năm đó.
Tuy nhiên, kế hoạch này không tạo nên làn sóng như mong đợi. Sau 7 năm im ắng, hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng Việt mới nhen nhóm trở lại.
Quy mô huy động lên tới cả tỷ USD
Cuối tháng 5 vừa qua, VPBank thông báo ngày chốt danh sách cổ đông nhằm lấy ý kiến thông qua phương án chào bán trái phiếu tại nước ngoài và việc niêm yết trái phiếu tại sở giao dịch chứng khoán nước ngoài. Cụ thể, nhà băng này dự kiến phát hành tới 1,12 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong năm 2019 và 2020.
Ngay sau thông báo của VPBank, TPBank cũng phát đi thông báo phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế để tăng vốn cấp II trong năm 2019.
Một số ngân hàng khác cũng có xu hướng muốn chào bán trái phiếu ra nước ngoài trong năm nay.
Vào năm 2012, VietinBank huy động thành công 250 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu quốc tế, với mức lãi suất cuống phiếu (coupon rate) là 8,0%/năm, kỳ hạn 5 năm, lợi suất của đợt chào bán lên tới 8,25%/ năm. Hướng đi mới trong tìm vốn được mở ra cho các ngân hàng.
Khi đó, Vietcombank dự kiến phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế với kỳ hạn 10 năm nhằm gia tăng nguồn vốn ngoại tệ trung và dài hạn. Sacombank dự kiến phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế, kỳ hạn 5 năm không chuyển đổi và không có tài sản đảm bảo. ACB dự kiến phát hành 100 triệu USD trái phiếu quốc tế…
Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, những thông tin về việc phát hành trái phiếu quốc tế của các ngân hàng Việt ngày càng thưa thớt, thậm chí không có ngân hàng nào có kế hoạch phát hành.
Theo các chuyên gia, "chìa khóa" để giải mã yếu tố thành công của mỗi đợt phát hành trái phiếu quốc tế phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề. Nguyên nhân có thể do thời điểm đó, hệ số tín nhiệm của các ngân hàng Việt thấp hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, ngân hàng Việt bắt đầu vào thời kỳ quyết liệt tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, việc lựa chọn được nhà tư vấn có nhiều kinh nghiệm phát hành trái phiếu quốc tế cũng là yếu tố quyết định cho sự thành công của ngân hàng. Thông thường, tổ chức phát hành sẽ lựa chọn 2 – 3 nhà tư vấn phát hành có nhiều kinh nghiệm phát hành trái phiếu quốc tế, có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư quốc tế, có sức mạnh tương hỗ cho nhau. Ví dụ một ngân hàng mạnh tại thị trường châu Á và Âu, một ngân hàng mạnh tại thị trường Mỹ.
Nếu dựa trên mức phí thấp nhất hoặc dựa trên mối quan hệ mà không dựa vào thực lực sức mạnh của doanh nghiệp và kinh nghiệm của nhà tư vấn, giao dịch phát hành sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường không thuận lợi.
Giới chuyên gia cho rằng ở thời điểm hiện tại có nhiều yếu tố thuận lợi cho các ngân hàng Việt phát hành trái phiếu quốc tế.
Nhiều thuận lợi để ngân hàng Việt phát hành trái phiếu quốc tế thời điểm này |
Thời cơ thuận lợi
Một chuyên gia phân tích, thời gian qua, nhiều tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam như: Fitch, Moodys, Standard&Poors. Đây được xem như tấm bằng chứng nhận về năng lực của Việt Nam khi tham gia đấu trường quốc tế.
Không chỉ vậy, đối với ngành ngân hàng, các tổ chức này liên tục đánh giá xếp hạng toàn ngành ngân hàng của Việt Nam ở mức tốt, trong đó có 12 ngân hàng được xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) nâng hạng vì đã có tiến bộ trong việc giảm nợ xấu, khả năng tăng vốn mạnh và khả năng sinh lời cao.
Cũng trong năm nay, hàng loạt ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II, trong đó có TPBank và VPBank cũng là những thành viên đầu tiên.
Mặt khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới đây phát tín hiệu sắp có đợt giảm lãi suất sau 11 năm. Như vậy, các ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế sẽ được hưởng lãi suất cho vay thấp.
Theo Ts. Nguyễn Trí Hiếu, so với phát hành trái phiếu nội địa, phát hành trái phiếu quốc tế sẽ giúp ngân hàng thu về ngoại tệ, trong khi huy động ngoại tệ trong nước là không dễ. Hơn nữa, các ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế có lợi hơn ở chỗ lãi suất trên thị trường quốc tế thường thấp hơn lãi suất tiền đồng trong nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại những bất ổn về chính trị và thương mại trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu giảm, điều đó cũng ảnh hưởng đến tỷ giá. "Chẳng hạn khi phát hành trái phiếu, tỷ giá còn tương đối thấp, tuy nhiên đến lúc đáo hạn, tỷ giá biến động và tăng lên thì phải mua USD với mức giá cao hơn để trả nợ. Trong bối cảnh tỷ giá biến động và luôn có xu hướng tăng thì vấn đề phát hành trái phiếu quốc tế sẽ gặp rủi ro không nhỏ cho các ngân hàng", ông Hiếu phân tích.
Huyền Anh