Kể từ khi ngân hàng 100% vốn nước ngoài được phép thành lập (2009), vốn ngoại đổ vào lĩnh vực ngân hàng thực sự bùng nổ. Đến nay đã có hơn 50 tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Điều này cho thấy thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn đang tạo ra một sức hấp dẫn nhất định.
Sức hút khó cưỡng
Theo các công ty nghiên cứu thị trường quốc tế, triển vọng của ngân hàng Việt Nam trong năm 2019 được đánh giá cao với sự cải thiện hơn nữa về lợi nhuận, chi phí tín dụng thấp hơn, nguồn vốn của các ngân hàng đang được tăng cường và tăng trưởng tín dụng ổn định.
Về triển vọng của ngành ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới, các tổ chức này cũng cho rằng sẽ còn cao hơn nữa nhờ việc tái cơ cấu đang được toàn ngành ngân hàng triển khai quyết liệt và đạt hiệu quả tốt.
Cùng với đó, các công ty nghiên cứu thị trường cũng đưa ra nhận định rằng các ngân hàng nước ngoài đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam thông qua các công ty 100% vốn nước ngoài. Những dòng vốn ngoại đổ vào thị trường ngân hàng Việt Nam đáng chú ý gần đây là các nhà đầu tư đến từ khu vực Đông Á (Hàn Quốc, Nhật Bản) và ASEAN.
Theo công ty nghiên cứu Fitch Solutions: “Những ngân hàng lớn Nhật Bản (MUFG, Mizuho) – một trong những đối tác truyền thống của ngân hàng Việt Nam, mặc dù đang có dấu hiệu siết lại việc đầu tư vào thị trường châu Á do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại nhưng lại không thể chối từ tiềm năng từ những thị trường mới nổi như Đông Nam Á”.
Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu dưới các hình thức mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài, góp vốn, liên doanh với ngân hàng trong nước, mở chi nhánh và mở văn phòng đại diện.
Tuy nhiên, Chính phủ hiện đang tập trung cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, nên từ nay tới hết năm 2020 không cấp phép thành lập các ngân hàng có vốn nước ngoài.
Trong khi đó, ngay việc đầu tư dưới hình thức góp vốn, liên doanh của nhà đầu tư nước ngoài với ngân hàng trong nước cũng có những quy định không hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, như: tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ trong tổ chức tín dụng Việt Nam; tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại Việt Nam.
Do đó, việc mua lại “ngân hàng 0 đồng” sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng sở hữu ngân hàng Việt hơn.
Thị trường ngân hàng Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại |
Có dễ mua lại 100% vốn?
Nhiều nhà đầu tư ngoại đang muốn đầu tư cả chục nghìn tỷ đồng vào các ngân hàng Việt Nam, nhất là ở những nhà băng đã được bán 0 đồng trước đó gồm: Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (PGBank)…
Mới đây, ông Han Chang-woo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Maruhan, bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong tiến trình tham gia tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam, đặc biệt là Oceanbank.
Trước đó, tại cả hai hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động năm 2018 và năm 2019 của Oceanbank đều có sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao tập đoàn này.
Một ngân hàng lớn của Nhật Bản khác là J.Trust lại muốn tham gia mua lại ngân hàng của Việt Nam, cụ thể là CBBank.
Ngoài J.Trust đề cập đến chuyện mua lại CBBank, một đối thủ khác là Tập đoàn Clermont (Singapore) cũng muốn tham gia tái cấu trúc CBBank. Tuy nhiên, J.Trust dường như hiện được ưu ái hơn trong việc mua lại và cơ cấu lại CBBank. Với GPBank, Tập đoàn UOB cũng đang đàm phán mua lại.
Có thể thấy không phải đến nay, 3 ngân hàng 0 đồng mới là đích nhắm của các nhà đầu tư ngoại. Trước đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã ngỏ ý muốn mua lại, thậm chí có nhiều thương vụ đã đi vào vòng đàm phán cuối cùng nhưng thất bại do những quy định sở hữu ngân hàng Việt còn nhiều khó khăn cho nhà đầu tư.
Mới đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã “bật đèn xanh” cho các nhà đầu tư ngoại dễ dàng sở hữu ngân hàng Việt hơn.
Tại buổi tiếp lãnh đạo các ngân hàng, công ty tài chính Hàn Quốc, tập đoàn Hyundai, Samsung tại Seoul (Hàn Quốc) vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tới đây, Chính phủ chủ trương không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn ngoại, nhưng khuyến khích các ngân hàng nước ngoài mua các ngân hàng yếu kém và đang có nhiều ngân hàng nước ngoài quan tâm tới các vụ mua bán – sáp nhập (M&A).
Điều này có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài có thể được mua cổ phần chi phối đối với ngân hàng yếu, thậm chí sở hữu 100% vốn ngân hàng yếu.
Huyền Anh