Việc nhóm doanh nghiệp Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10 nghìn tỷ phát hành từ cuối năm 2021 tới quý I/2022 là một cú sốc đối với kênh huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Qua sự việc này, các chuyên gia cho rằng, đây cũng là lời cảnh báo cho các ngân hàng khi bỏ vốn vào lĩnh vực rủi ro, đồng thời làm thay đổi mạnh mẽ về "chất" TPDN khi cơ quan quản lý sẽ nhanh chóng điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình hiện tại.
Tín dụng vào TPDN tăng mạnh
Năm qua, nhìn vào số liệu thống kê của FiinGroup có thể thấy, ngân hàng giữ vai trò mua chính trên thị trường TPDN qua kênh phát hành sơ cấp, chiếm 36% trong tổng giá trị phát hành từ các doanh nghiệp bất động sản. Quy mô tín dụng trái phiếu ở mức gần 274 nghìn tỷ đồng (12 tỷ USD).
Lượng trái phiếu doanh nghiệp do Techcombank nắm giữ đến cuối năm 2021 là 62.809 tỷ đồng, chiếm 11% tổng tài sản. |
Thống kê này cũng khá sát với tốc độ tăng trưởng TPDN mà các ngân hàng nắm giữ trong thời gian qua. Theo báo cáo tài chính của 24 ngân hàng niêm yết, tính đến hết năm 2021, lượng TPDN mà các nhà băng này nắm giữ tăng 21% lên 242.674 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ trọng trung bình của TPDN so với tổng tài sản của các ngân hàng này ở mức 2,6%.
Đáng lưu ý, nhiều ngân hàng nhỏ ghi nhận tốc độ tăng trưởng TPDN khá lớn, trong đó NamABank có mức tăng trưởng mạnh nhất tới 3,7 lần, từ 648 tỷ đồng lên 2.383 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với tổng tài sản, lượng TPDN của nhà băng này chỉ chiếm 1,56%.
Tiếp theo là Vietcombank tăng hơn 2 lần, từ 5.335 tỷ đồng cuối năm 2020 lên 11.929 tỷ đồng khi kết thúc năm 2021. Lượng trái phiếu này chiếm tỷ trọng khá thấp, ở mức 0,92%.
Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lượng TPDN tăng mạnh trong năm qua như TPBank tăng 65% lên mức 18.577 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,34% tổng tài sản; ABBank tăng 58% lên mức 9.503 tỷ đồng, chiếm 7,81% tổng tài sản. MB tăng 53% lên mức 42.962 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,08% tổng tài sản. Techcombank tăng 34,4% từ mức 46.728 tỷ đồng cuối năm 2020 lên mức 62.809 tỷ đồng, đưa tỷ trọng TPDN đang nắm giữ so với tổng tài sản lên mức 11%.
Ngoài ra, một số ngân hàng quy mô nhỏ cũng ghi nhận lượng trái phiếu nắm giữ khá lớn. Điển hình là HDBank nắm giữ 10.214 tỷ đồng, chiếm 2,73% tổng tài sản; SeABank là 7.624 tỷ đồng, chiếm 3,6%; VietBank là 6.148 tỷ đồng, chiếm gần 6% tổng tài sản…
Thị trường TPDN hấp dẫn ra sao mà các ngân hàng liên tục đổ tiền vào mảng này? Theo các chuyên gia, so với các kênh đầu tư khác, TPDN thoả mãn 2 mục đích của nhà đầu tư. Thứ nhất, nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư mới, gia tăng lợi tức trên danh mục đầu tư, lãi suất ổn định và duy trì ở mức cao, đặc biệt, TPDN bất động sản trong năm qua bình quân ở mức 9%/năm. Thứ hai, duy trì tính thanh khoản của danh mục đầu tư. Với điều kiện nhà phát hành trả gốc và lãi đúng hạn, nhà đầu tư luôn chủ động về dòng tiền.
Kỳ vọng thay đổi về chất
Đây cũng là lý do mà 2 năm qua, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, tăng trưởng thị trường trái phiếu không hề chậm lại, thậm chí một số nhóm ngành như bất động sản tăng trưởng lên tới hơn 60%. Nhưng sự tăng trưởng “nóng” của TPDN đã gây ra nhiều rủi ro cho thị trường.
Những vụ khởi tố, bắt giam một số cá nhân vi phạm trên thị trường TPDN mà điển hình là vụ việc Tân Hoàng Minh bị hủy 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10 nghìn tỷ phát hành từ cuối năm 2021 tới quý I/2022 trong thời gian gần đây đang cho thấy quyết tâm của các cơ quan quản lý trong việc làm trong sạch, lành mạnh thị trường tài chính.
Sau vụ việc với Tân Hoàng Minh, các cơ quan quản lý đã đưa ra hàng loạt cảnh báo cũng như biện pháp “mạnh tay” nhằm “siết” lại thị trường. Cùng với đó là thông điệp từ Chính phủ với Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 về chấn chỉnh hoạt động thị trường TPDN và đấu giá quyền sử dụng đất.
Các chuyên gia cho rằng, sự kiện này cùng với các thay đổi chính sách vừa qua bao gồm việc Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định định chi tiết về trường hợp tổ chức tín dụng (TCTD) không được phép mua TPDN với mục đích để tái cơ cấu nợ; góp vốn/mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác; tăng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp phát hành; TCTD chỉ được mua TPDN khi TCTD đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất; đồng thời những thay đổi và bổ sung dự kiến được đưa vào trong dự thảo sửa đổi Nghị định 153 về phát hành riêng lẻ có thể sẽ làm cho thị trường TPDN giảm đáng kể về quy mô phát hành trong năm 2022.
Theo đánh giá của chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Những chính sách siết tín dụng đổ vào TPDN sắp được cơ quan quản lý ban hành sẽ khiến các ngân hàng không còn “mạnh tay” đổ tiền vào TPDN như trước đó. Điều này tác động làm giảm mạnh quy mô huy động vốn của các doanh nghiệp, nhưng về mặt tích cực có thể giúp thay đổi mạnh mẽ về chất”.
Bộ Tài chính gấp rút lấp "kẽ hở" pháp lý TPDN Liên quan đến vấn đề siết chặt thị trường trái phiếu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 153 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế cùng các thông tư hướng dẫn chặt chẽ và chi tiết. Cụ thể, thắt chặt và minh bạch đối với việc phát hành không có tài sản đảm bảo, phát hành phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và phải phát hành trên một kênh để đảm bảo tính minh bạch cho nhà đầu tư theo dõi; Công bố công khai báo cáo tài chính được kiểm toán và các doanh nghiệp kiểm toán độc lập phải có trách nhiệm của mình trong việc kiểm toán các báo cáo tài chính một cách chính xác để thể hiện sự minh bạch. "Về Luật Chứng khoán, chúng tôi đang xin ý kiến của Chính phủ để Chính phủ báo cáo với Quốc hội cho sửa đổi một số điều của Luật nhằm đáp ứng thực tiễn trong công tác quản lý", Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin. |
Huyền Anh