Ngày 11/4, tại Hội thảo "Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiểu quả tối đa?", PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, thành công dễ thấy nhất của quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam 10 năm vừa qua là bảo vệ người gửi tiền.
“Mục đích lớn nhất của câu chuyện chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém là đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, không để xảy ra xung đột về lợi ích, quyền lợi. Ở góc độ này, có thể nói là quá trình tái cơ cấu đã rất thành công”, ông Trung nhìn nhận.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, giải pháp chuyển giao bắt buộc với các ngân hàng yếu kém là một trong những giải pháp đã được cân, đo, đong, đếm rất nhiều từ các bộ, ban, ngành.
![]() |
OceanBank được chuyển giao bắt buộc về MB và đổi tên thành MBV. Tính tới cuối năm 2024, MBV ghi nhận lỗ lũy kế 15.688 tỷ đồng. |
Nhìn lại lịch sử tái cấu trúc hệ thống ngân hàng từ 2011 đến nay, ông Thành đánh giá nỗ lực của cơ quan quản lý chính sách tiền tệ - ngân hàng là rất đáng ghi nhận, bởi quá trình tái cơ cấu đặt ra nhiều thách thức về pháp lý cũng như triển khai áp dụng thực tế cho các trường hợp. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định vai trò quan trọng giúp đảm bảo thanh khoản và ngăn chặn rủi ro đổ vỡ hệ thống.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một số chuyên gia, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém tại Việt Nam vẫn còn một số vấn đề. Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng bài học thất bại trong thời gian qua là các ngân hàng yếu kém sáp nhập, hợp nhất với nhau tạo ra một ngân hàng lớn hơn nhưng vẫn yếu kém là do nhóm cổ đông yếu kém vẫn nắm quyền kiểm soát. Do đó, để thành công cần sáp nhập ngân hàng yếu kém có quy mô nhỏ vào ngân hàng lớn và mạnh hơn. Ngân hàng nhận sáp nhập dùng nguồn lực thực về tài chính để xử lý nợ xấu. Lợi nhuận từ tăng trưởng nhanh sau tái cơ cấu giúp xử lý thua lỗ trước đó.
"Cần một hệ thống thanh tra, giám sát mang tính hợp nhất cao hơn để phát hiện và ngăn chặn các hành vi không tuân thủ trên cả hoạt động ngân hàng và chứng khoán, tức là trên cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn", ông Thành nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm 3 năm làm ngành ngân hàng tại Mỹ, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, cho biết FDIC (Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ) đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát, đánh giá và xử lý ngân hàng yếu kém. Ngược lại, Bảo hiểm tiền gửi quốc gia tại Việt Nam hiện nay không có vai trò rõ ràng trong việc bảo vệ tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng yếu kém, khiến người gửi tiền thiếu niềm tin và tạo rủi ro hệ thống.
Bên cạnh đó, các ngân hàng tại Mỹ được tái cơ cấu theo quy trình rõ ràng, có cảnh báo sớm và các lệnh chấm dứt hoạt động khi cần thiết.
Tại Việt Nam còn thiếu sự tham gia và giám sát từ cổ đông, những người có quyền lợi và trách nhiệm giám sát cùng NHNN, dẫn đến sự thiếu dân chủ và thiếu đồng thuận trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Ông Hiếu dẫn chứng: Sau khi Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng ban hành năm 2024, NHNN đã hoàn tất việc chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt. Cụ thể, Ngân hàng Xây dựng được chuyển giao cho Vietcombank và đổi tên thành VCBNeo; Oceanbank được chuyển giao cho MB và đổi tên thành Modern Bank of Vietnam (MBV); GPBank được chuyển giao cho VPBank; Đông Á Bank được chuyển giao cho HDBank và đổi tên thành Vikki Bank. Ngoài 4 ngân hàng 0 đồng này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng: "Tôi chưa có tin tức gì về hoạt động của các ngân hàng này, chỉ biết họ đã đổi tên, thương hiệu mới, định hướng mới, phong cách phục vụ mới với kỹ thuật số, chủ yếu phục vụ khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ".
Theo chuyên gia này, về quyền, nghĩa vụ của bên nhận chuyển giao được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 như: Sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; không phải hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; được loại trừ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất.
Những điều khoản trên không phù hợp với các nguyên tắc kế toán và thông lệ quốc tế và làm méo mó báo cáo tài chính của ngân hàng nhận chuyển giao, đặc biệt là không hợp nhất các khoản lỗ lũy kế của ngân hàng con (nếu có) vào bảng cân đối kế toán của cả hệ thống ngân hàng nhận chuyển giao.
Các chỉ số an toàn vốn sẽ không được thể hiện chính xác tình hình sức khỏe tài chính của cả hệ thống ngân hàng nhận chuyển giao và điều này có thể tác động đến lòng tin của cổ đông, khách hàng gửi tiền, trừ trường hợp tất cả tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng con được ngân hàng mẹ bảo lãnh 100%.
Để việc tái cơ cấu ngân hàng thông qua phương án chuyển giao có hiệu quả, ông Hiếu cho rằng vốn chủ sở hữu của ngân hàng được tái cơ cấu phải đảm bảo 3 nghìn tỷ đồng, ngân hàng mẹ phải bảo lãnh tiền khách hàng gửi từ ngân hàng con...
Đồng thời, các ngân hàng cần có thông tin minh bạch hơn về sức khoẻ tài chính của mình, đặc biệt những ngân hàng chuyển giao. "Nếu bảng cân đối kế toán, kết quả kinh doanh của ngân hàng được chuyển giao không được hợp nhất với báo cáo tài chính của ngân hàng nhận chuyển giao có thể dẫn đến nhiều rủi ro cho đối tác, khách hàng gửi tiền", ông Hiếu nói.
Thanh Hoa