Nguồn vốn đầu tư trái phiếu bất động sản của các tổ chức tín dụng có nguy cơ trở thành nợ xấu. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Đây là nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) trong báo cáo vừa phát hành về thị trường trái phiếu.
Thống kê tính đến hết tháng 9/2020, dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM đạt khoảng 293.750 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2019. Trong đó, nợ xấu tín dụng của doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ bất động sản.
Dù đưa ra đánh giá dư nợ tín dụng và nợ xấu bất động sản vẫn còn trong ngưỡng an toàn, nhưng HoREA cảnh báo vẫn còn tiềm ẩn rủi ro. "Có khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, trong đó có cả nguồn vốn đầu tư trái phiếu bất động sản của các tổ chức tín dụng và cá nhân", HoREA nhận định.
Vì vậy, HoREA cho rằng, cần quan tâm đến dư nợ tín dụng tiêu dùng, nhất là đối với một số khoản vay sửa nhà, xây nhà nhưng chuyển sang kinh doanh bất động sản. Các khoản vay này đang chiếm khoảng 1,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, cần phải có cơ chế kiểm soát, quản lý phù hợp.
Trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có 1.089 đợt phát hành trái phiếu của 175 doanh nghiệp với giá trị 341.000 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 173.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 40,3% và chiếm tỷ trọng cao nhất toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
HoREA cho rằng hoạt động phát hành trái phiếu tăng nóng trong 8 tháng đầu năm 2020, nhưng từ 1/9/2020 đã bắt đầu được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, đáng quan ngại là tỷ lệ nhà đầu tư trái phiếu cá nhân và nguồn vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vào thời điểm đáo hạn trái phiếu.
Về hoạt động quản lý ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, chủ trương của cơ quan quản lý là phải kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, trong đó, việc các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ được tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải có những biện pháp hạn chế rủi ro; không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành; tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu đối với các doanh nghiệp có số dư lớn, nhất là các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với nhiều tổ chức tín dụng/doanh nghiệp khác...
Tuy nhiên, HoREA cho rằng bất cập lớn hiện nay đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp là chưa có các tổ chức tư vấn uy tín (tương tự như Fitch Ratings) đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp phát hành trái phiếu, để đảm bảo minh bạch thông tin và góp phần bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu.
Thanh Hoa