Số liệu của Hiệp hội trái phiếu Việt Nam cho thấy, 8 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận 490 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 308.517 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại vẫn là bên phát hành lớn nhất thị trường với tổng giá trị phát hành 116.100 tỷ đồng.
Áp lực nguồn vốn
Những tháng đầu năm nay, hàng loạt ngân hàng công bố huy động thành công hàng nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ. Mặc dù lãi suất thấp hơn nhiều so với trái phiếu doanh nghiệp, song toàn bộ trái phiếu riêng lẻ ngân hàng phát hành vẫn “cháy hàng”.
Ngân hàng Nhà nước sẽ siết chặt hơn nữa hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng. |
Chẳng hạn, ngày 16/8, Ngân hàng An Bình (ABBank) đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cố định 3,5%/năm, kỳ hạn 2 năm, chủ yếu nhằm bổ sung vốn trung, dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng. ABBank cho biết, một nhà đầu tư tổ chức trong nước đã mua 100% lượng trái phiếu do ngân hàng này phát hành.
Cũng trong ngày 16/8, Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 7 năm, lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng 2%/năm. Ngay trước đó, ngày 12/8, ngân hàng này cũng đã phát hành riêng lẻ 150 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm để tăng vốn cấp 2. Toàn bộ trái phiếu của VIB được một công ty chứng khoán và một quỹ đầu tư chứng khoán mua trọn.
Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), ngày 12/8 cũng đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 8 năm với lãi suất bằng lãi suất thả nổi cộng với 0,9%/năm. Toàn bộ số trái phiếu này được bán cho một tổ chức tín dụng trong nước. Vốn thu được từ lượng trái phiếu phát hành trên cũng được bổ sung vào vốn cấp 2.
Trong khi đó, “ông lớn” ngân hàng khác là VietinBank cũng đã thông báo về đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 9 và đợt 10 năm 2021. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, tổng giá trị là 100 tỷ đồng trong tháng 8 và tháng 9.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Kinh doanh thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset, nguyên nhân khiến các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu là do nhu cầu tăng vốn trung, dài hạn và tăng vốn cấp 2 để đảm bảo yêu cầu an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, nhóm ngân hàng thương mại phát hành 24.186 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, chiếm 20,8%; trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2 - 4 năm chiếm 78,3% , lãi suất thấp dao động từ 3% - 4,2%, cố định trong toàn bộ thời hạn của trái phiếu. Trong đó, riêng tổng lượng trái phiếu phát hành tăng vốn cấp 2 của BIDV, VietinBank, VIB, MB và Viet Capital Bank đạt 2.324 tỷ đồng.
Lo đảo nợ, rót vốn "sân sau"
Bên cạnh việc là chủ thể nhiệt tình nhất trong việc phát hành trái phiếu thì ở một góc độ khác, các ngân hàng cũng rất năng nổ với vai trò là nhà đầu tư mua trái phiếu bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua công ty chứng khoán.
Câu hỏi đặt ra là liệu có gì mâu thuẫn khi ngân hàng đang rất cần vốn trung dài hạn và phải liên tục huy động vốn bằng trái phiếu, nhưng lại cũng dư dả nhiều tiền để mua trái phiếu như vậy?
Thông thường, các ngân hàng sau khi huy động vốn từ các kênh (trái phiếu, tiền gửi…) cũng không thể đem cho vay ngay lập tức được vì còn có quá trình tìm kiếm khách hàng, thẩm định hồ sơ… Ngoài ra, các ngân hàng cũng thường xuyên phải giữ lại một tỷ lệ vốn nhất định để duy trì thanh khoản. Trong thời gian đó, các ngân hàng đương nhiên không muốn tiền “nằm chết” một chỗ mà sẽ phải để tiền ở một kênh nào đó có thể sinh lợi, trong đó có trái phiếu.
Trên thực tế, khi mua trái phiếu thì vốn của ngân hàng không bị “đóng cứng” vào đó như một khoản cho vay mà khi có nhu cầu vốn, họ vẫn có thể giao dịch chuyển nhượng, chiết khấu, cầm cố… để rút vốn về. Theo đó, các ngân hàng đầu tư trái phiếu sẽ cần phải phân loại trái phiếu tùy theo tính thanh khoản để xác định độ “lỏng” (khả năng chuyển thành tiền) của tài sản.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc ngân hàng tăng cường phát hành và mua chéo trái phiếu lẫn nhau là do một số nguyên nhân như: một số ngân hàng đang thừa vốn, khó tăng trưởng cho vay, nên tìm đến các kênh đầu tư khác, trong đó có trái phiếu.
Bên cạnh đó là đáp ứng nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng hiện nay, khi vốn chủ sở hữu của các ngân hàng đa phần còn mỏng, tín dụng tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu khiến tỷ lệ an toàn vốn luôn trong tình trạng cần “gia cố”.
Một nguyên nhân khác là từ năm 2020 đến nay, việc áp dụng giãn, hoãn trả nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03 nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 khiến một lượng lớn dòng tiền chưa thể về ngân hàng, dẫn đến việc một số ngân hàng bị thiếu hụt vốn và phải tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ để bù đắp.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc ngân hàng ào ạt mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua không loại trừ mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp thân hữu.
“Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khó khăn sẽ phát hành trái phiếu, ngân hàng mua lại và doanh nghiệp dùng số tiền bán trái phiếu thu về để trả nợ ngân hàng. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay nhau dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Lo lắng về các biến tướng xung quanh hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại có lẽ là lý do chính khiến Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp theo hướng siết chặt hơn nữa hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng.
Huyền Anh