Khảo sát của VnBusiness ngày 20/6 cho thấy, hơn 30 ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng vào đầu tuần này.
Theo đó, tại nhiều ngân hàng, lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 4,5%, tức là đã thấp hơn so với mức trần quy định 4,75% của NHNN. Các kỳ hạn trên 6 tháng được một số ngân hàng giảm thêm từ 0,1 - 0,5%/năm tùy kỳ hạn. Mức thấp nhất kỳ hạn ngắn giảm về 3,4%/năm, kỳ hạn dài trên 12 tháng thấp nhất ở 6,3%/năm.
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động
Điển hình, ABBank đã điều chỉnh hạ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng về 4,5%/năm, trong khi kỳ hạn từ 2– 5 tháng giảm 0,25 điểm % so với biểu lãi suất cũ, xuống còn 4,75%/năm.
Lãi suất huy động tại ABBank giảm tại một số kỳ hạn kể từ ngày 19/6. |
Hiện, lãi suất tiết kiệm cao nhất với hình thức gửi tiền tại quầy của ABBank đứng ở mức 7,9%/năm, với các kỳ hạn từ 15 tháng – 60 tháng.
Tương tự, VIB đã điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng xuống mức 4,75%/năm từ cuối tuần trước. Tại PVcomBank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng - 5 tháng cũng đồng loạt điều chỉnh giảm xuống còn 4,25%/năm, thấp hơn 0,25 điểm % so với trần quy định mới của NHNN .
Đáng lưu ý, biểu lãi suất tại các ngân hàng nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank cũng giảm mạnh. Đơn cử như tại Agribank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng chỉ 3,4%/năm; kỳ hạn từ 3 tháng – 5 tháng là 4,1%/năm – thấp hơn so với mức trần tới 0,64 điểm %. Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Agribank theo biểu niêm yết đang đứng ở mức 6,3%/năm.
Có biểu lãi suất tiết kiệm nhỉnh hơn, BIDV niêm yết từ 4,1%/năm – 4,6%/năm với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại BIDV hiện cao hơn 0,5 điểm % so với Agribank. Đây cũng là biểu lãi suất tại Vietcombank và VietinBank.
Lãi suất giảm nhưng với nhiều người, tiết kiệm ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn. Chị Lê Thu Châu, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nói: "Năm nay, kinh tế khó khăn, đầu tư vào kênh nào cũng rủi ro cao, vì vậy với khoản tiền nhàn rỗi, tôi chọn gửi ngân hàng dù mức lãi suất hiện nay thấp hơn so với thời điểm cuối năm ngoái. Tuy nhiên, lãi suất thấp lại kích thích cho các doanh nghiệp vay để đầu tư phát triển".
Bà Đỗ Thị Thuý Hoa, Giám đốc chi nhánh Nam Thăng Long, ABBank, cho biết: "Từ khi điều chỉnh biểu lãi suất, chúng tôi thấy lượng khách hàng vẫn đông, các khách hàng có sổ đến hạn thì đều có xu hướng gửi lại, doanh số huy động trong 2 ngày vừa qua cũng có dấu hiệu tăng nhẹ cả kênh tiền gửi tại quầy và online".
Lượng tiền gửi giúp đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Giới phân tích cũng đánh giá mức giảm 0,25 -0,5%/năm đợt này là bước đi thận trọng, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát, đảm bảo lãi suất thực dương đủ hấp dẫn cho người gửi tiền.
Còn dư địa giảm lãi suất điều hành
Theo NHNN, tổng mức giảm lãi suất điều hành sau 4 lần là từ 0,5-2%/năm tùy loại. Với tần suất giảm tương đối liên tục từ tháng 3 tới nay, NHNN đã cho thấy thông điệp mạnh mẽ hơn về việc hạ mặt bằng lãi suất, qua đó định hướng các ngân hàng quyết liệt hơn trong việc giảm lãi vay, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.
Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất hiện chỉ còn 8,5%/năm. |
Theo thống kê của NHNN, lãi suất tiền gửi bình quân các giao dịch phát sinh mới của các NHTM ở mức 5,7%/năm, giảm khoảng 0,7%/năm so với cuối năm 2022.
Lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các NHTM ở mức 8,9%/năm, giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022. Với tác động của độ trễ chính sách, dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Trong báo cáo mới công bố hôm 19/6, Công ty chứng khoán SSI nhận định, mặt bằng lãi suất đã quay trở về năm 2020, thời điểm thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua dịch COVID-19. Tuy nhiên, chỉ giảm lãi suất là chưa đủ, mà còn cần thêm các giải pháp cải thiện đầu ra cho doanh nghiệp.
Trong đợt điều chỉnh lần này, nhà điều hành chỉ giảm trần lãi suất huy động 0,25% từ 5%/năm xuống 4,75%/năm thay vì mức giảm 0,5% như các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu.
Theo lý giải của PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, mức giảm này là hợp lý. Bởi mức lãi suất huy động có vai trò rất quan trọng vì phải đảm bảo chênh lệch lãi suất đủ lớn giữa tài sản bằng nội tệ với tài sản bằng ngoại tệ để tránh áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối.
"Việc đưa ra trần lãi suất huy động như vậy đã đủ mức lãi suất hấp dẫn đối với tài sản bằng VND. Từ đó giảm tình trạng đô la hóa, giảm áp lực về cầu ngoại tệ cho thị trường ngoại hối", Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng nhấn mạnh.
Đánh giá về dư địa cho lãi suất điều hành, bà Hoàng Anh cho rằng, NHNN có thể giảm thêm khoảng 0,5 điểm % từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng nhà quản lý tiền tệ sẽ giảm "kịch khung" 0,5 điểm % các loại lãi suất điều hành, mà việc quyết định giảm thêm bao nhiêu % sẽ căn cứ vào rất nhiều yếu tố để NHNN điều hành một cách linh hoạt, chủ động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các chuyên gia cũng lưu ý, mặt bằng lãi suất cao, khả năng tiếp cận tín dụng khó khăn... thì không chỉ ảnh hưởng đến con số tăng trưởng kinh tế, mà đó là "thước đo" của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Chính phủ phải mạnh tay hạ lãi suất.
Trao đổi với VnBusiness, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, lãi suất điều hành hiện nay được đánh giá "ổn" nhưng vẫn có khả năng giảm tiếp trong thời gian tới. “Với lần hạ lãi suất điều hành này, mặt bằng lãi suất cho vay có thể hạ vào cuối quý III năm nay và sẽ về tương đương cuối năm 2019”, ông Thịnh nói.
Huyền Anh