Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một loạt lãi suất điều hành sẽ chính thức được điều chỉnh giảm từ hôm nay (ngày 19/6). Từ đầu năm đến nay, đây đã là lần thứ 4, NHNN giảm lãi suất điều hành.
Lãi suất điều hành giảm là cơ hội để lãi suất cho vay “hạ nhiệt”
Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 5,5%/năm xuống còn 5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm xuống còn 4,5%/năm. Lãi suất tái chiết khấu cũng giảm 0,5%/năm chỉ còn 3%/năm.
Theo chuyên gia, quý III/2023 sẽ là thời điểm mấu chốt quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không. |
Đáng chú ý, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng chỉ giảm nhẹ 0,25%/năm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm. Tương tự, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%.
Nhiều ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động liên tục trong thời gian vừa qua. Theo đó, lãi suất cho vay cũng được giới chuyên gia dự báo sẽ “hạ nhiệt” trong thời gian tới.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết: “Thời gian qua, giới chuyên môn đã dự báo về việc giảm lãi suất điều hành của NHNN. Tuy nhiên, quyết định giảm lãi suất lần này của cơ quan điều hành nhanh hơn so với dự báo. Vì vậy, chúng tôi cũng hy vọng tốc độ giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ mạnh hơn, tác động lan tỏa nhanh hơn”.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của Khối phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cũng nhận định, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngừng tăng lãi suất điều hành trong tháng 6 cùng với thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện khá dồi dào, NHNN đã nhanh chóng giảm lãi suất điều hành ngay sau sự chỉ đạo của Chính phủ.
“Chúng tôi cho rằng quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 này sẽ có nhiều tác động tích cực giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất. Qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới”, VNDirect phân tích.
Dòng tiền được kỳ vọng sẽ “chảy” vào lĩnh vực bất động sản
Trong bối cảnh cả nền kinh tế nói chung đang đón nhận tin vui từ việc chính sách tài khóa, tiền tệ dần được nới lỏng thì trong khoảng thời gian này, thị trường địa ốc cũng xuất hiện “tia sáng” tích cực khi thanh khoản tăng tại một số nơi.
Thông tin mới đây từ VNDirect cho biết, tại thị trường phía Nam, nhiều dự án đã ghi nhận lượng giao dịch tích cực. Cụ thể, trung tuần tháng 4/2023, dự án The Classia Khang Điền (TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã có giao dịch trung bình khoảng 8 căn theo tuần. Dự án De La Sol (quận 4) của CapitaLand mỗi ngày giao dịch trung bình 3-4 căn, với giá trị bình quân 7 tỷ đồng/căn. Dự án The Maq (quận 1) của Hongkong Land, theo ghi nhận trong một tuần của tháng 4/2023 bán được 7 căn, với giá trị giao dịch 20-25 tỷ đồng/căn, hiện có giao dịch trung bình 2-3 căn/tuần.
Trong tháng 5/2023, dự án Akari City (quận Bình Tân) của Nam Long cũng có hơn 50 giao dịch. Trong khi dòng căn hộ thuộc Mizuki Park, khu Nam TP.HCM cuối tuần này sẽ giới thiệu rổ hàng 30 sản phẩm ra thị trường. Hay mới đây, Keppel Land tung 200 căn hộ tại dự án căn hộ tại Celesta Nhà Bè đã có giao dịch khoảng 50% rổ hàng.
Đây vốn là khu vực trầm lắng giao dịch trong suốt thời gian qua, vậy nhưng hiện tại đã xuất hiện thanh khoản ở một số dự án. Đồng thời, hàng loạt dự án khác ghi nhận lượt giữ chỗ tốt trước kế hoạch mở bán gồm: dự án Fiato City tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) của Thang Long Real Group, dự án Phú Đông Sky Garden (Bình Dương) của Phú Đông Group…
Tỷ lệ hấp thụ ở các tỉnh lân cận rơi vào mức 40-60% với 6 dự án được chào bán tạo nguồn cung 390 căn hộ. Các chuyên gia của VNDirect đánh giá, đây có thể xem là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường vẫn còn chịu nhiều áp lực niềm tin, tâm lý.
Theo TS. Phạm Anh Khôi, Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), quý III/2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Và đây cũng sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không.
Ngoài ra, đợt 2 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra từ ngày 19/6 đến hết ngày 24/6. Theo đó, 10 dự án luật sẽ được tiếp tục thảo luận; 8 luật và 11 Nghị quyết sẽ được xem xét, biểu quyết thông qua.
Trong đó, có nhiều dự án luật liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản sẽ được Quốc hội cho ý kiến như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi). Kỳ họp được kỳ vọng sẽ giúp ngành địa ốc đón nhận thêm nhiều “tia sáng” gỡ khó về chính sách, pháp lý, tránh rủi ro cho người dân khi tham gia đầu tư vào thị trường này.
Hà Trang