Theo các chuyên gia, thời gian qua, các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài nhưng vẫn chưa đáp ứng được "cơn khát" vốn.
Do đó, ngân hàng phát hành trái phiếu để cân đối lại nguồn vốn, tăng nguồn vốn huy động trung dài hạn và tăng vốn cấp 2 (là vốn bổ sung của ngân hàng) đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn.
Ồ ạt phát hành trái phiếu
Những ngày cuối tháng 10, thị trường bất ngờ với cuộc đua lãi suất bắt đầu sớm hơn mọi năm. Ban đầu chỉ nhen nhóm ở các ngân hàng nhỏ, sau đó lan rộng sang các ngân hàng lớn, kể cả những ngân hàng có tiếng là nơi hút tiền gửi nhiều nhất như: Vietcombank, BIDV, VietinBank.
Dù phải gia nhập cuộc đua cạnh tranh lãi suất, song dường như cơn khát vốn vẫn chưa hạ nhiệt, nên gần đây, nhiều ngân hàng bước vào cuộc đua phát hành trái phiếu.
Cuối tháng 10, Vietcombank công bố phát hành thành công ba đợt (1, 2, 3) trái phiếu kỳ hạn 6 năm với khối lượng 329,3 tỷ đồng với lãi suất 7,475%/năm.
Đến ngày 16/11, Vietcombank tiếp tục công bố phát hành thành công 4 đợt trái phiếu (4, 5, 6, 7) kỳ hạn 6 năm, với tổng khối lượng 221,9 tỷ đồng, lãi suất 7,475%/ năm, với tổng cộng khối lượng trái phiếu phát hành thành công 288,3 tỷ đồng.
Từ ngày 12/11 – 11/12, BIDV mở bán tổng cộng 400.000 trái phiếu, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, với kỳ hạn 7 năm và 10 năm. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 7 năm có khối lượng chào bán 300.000 trái phiếu, trái phiếu 10 năm có khối lượng chào bán 100.000 trái phiếu. Kế hoạch thành công, nhà băng này đã thu về 4.000 tỷ đồng.
Tương tự, VietinBank vừa công bố phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm. Trong tháng 10, VietinBank đã phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn hai năm, lãi suất cố định 6%/năm.
Nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu để nâng vốn cấp 2 |
Hệ lụy giải "cơn khát" vốn
Sau khi các ngân hàng lớn dồn dập phát hành trái phiếu tăng quy mô vốn, một số ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng nhanh chóng tham gia. MB vừa công bố phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn 5 năm 1 ngày với trị giá 130,9 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị ACB cũng vừa phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm tài chính 2018 với tổng mệnh giá phát hành 2.200 tỷ đồng. HDBank mới đây cũng cho biết sẽ thực hiện phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu đợt 3 trong năm 2018 để huy động vốn.
Tăng vốn đang là bài toán áp lực với nhiều ngân hàng trong khoảng thời gian gần đây bởi nhiều lý do. Đầu tiên là các ngân có thêm lượng vốn đáng kể để kinh doanh, đồng thời cũng giúp cải thiện lại hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR). Tăng vốn còn giúp các ngân hàng cân đối cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn, nhất là khi quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm xuống mức 45% từ 1/1/2019.
Theo các chuyên gia, so với việc tăng vốn cấp 1 (vốn chủ sở hữu của ngân hàng), nâng vốn cấp 2 từ nguồn dân cư và phát hành trái phiếu được xem là đơn giản, nhanh chóng và dễ thực hiện hơn khi không yêu cầu nhiều về thủ tục.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, huy động vốn bằng cách này giúp ngân hàng phần nào giảm được áp lực trước mắt, song lại phải đối phó với không ít rủi ro trong tương lai.
Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, phân tích: hầu hết các ngân hàng phát hành trái phiếu để huy động vốn trung và dài hạn nên lãi suất thường cao. Chẳng hạn, BIDV phát hành trái phiếu kỳ hạn 7 và 10 năm, lãi suất luôn cao hơn lần lượt 0,8 –1,0% năm so với trung bình lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng và kỳ hạn thực tế của trái phiếu sẽ rút ngắn tương ứng còn 2 năm, 5 năm khi BIDV mua lại trái phiếu trước hạn. Như vậy, việc này có thể đẩy lãi suất cho vay tăng theo.
Ngoài ra, khi thời điểm trái phiếu đáo hạn, ngân hàng phải trả một lượng tiền lớn cho khách hàng và chắc chắn sẽ phải dùng đến nguồn lợi nhuận. Điều đó sẽ tạo áp lực lớn lên mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng.
Để giải quyết "cơn khát" vốn của các ngân hàng hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp an toàn nhất là các ngân hàng bắt buộc phải tăng vốn cấp 1.
Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng, bởi trên thực tế thời gian gần đây, nhiều nhà băng đã đẩy mạnh việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc thủ tục khiến những thương vụ này chưa thể hoàn tất.
Về lâu dài, các ngân hàng phải đẩy nhanh hơn nữa cơ cấu hoạt động từ thâm canh tín dụng sang mở rộng tăng thu từ các nguồn khác như dịch vụ. Giảm cho vay các lĩnh vực có trọng số rủi ro cao như bất động sản, đồng thời tập trung cho vay sản xuất. Việc chuyển hướng này không chỉ giúp ngân hàng giảm áp lực vốn trung, dài hạn, mà còn giúp giảm áp lực lên hệ số CAR.
Số liệu công bố gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 5, tỷ lệ CAR của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đã xuống khá thấp, ở mức 9,39%.
Hoàng Hà