Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời báo chí liên quan tới vấn đề nới room tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp room tín dụng trong 1-2 ngày tới. |
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, ngay từ đầu năm, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã được đưa ra. Trong đó, mục tiêu là duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 4%, tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, từ các chỉ tiêu này, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán, cân nhắc và đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%.
Việc đưa ra mục tiêu này được đặt ra từ đầu năm trong bối cảnh nền kinh tế không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi như cuộc xung đột Nga - Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng gây tăng giá nguyên vật liệu,...
"Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ cao nhất trong giai đoạn hiện tại. Đến nay, các ngân hàng cũng đã báo cáo tăng trưởng tín dụng đặt mục tiêu cho giai đoạn này đã được dùng hết, phần còn lại sẽ được giao cho các ngân hàng trong 1-2 ngày tới", Phó Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo sau về hạn mức room cấp thêm.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng có chỉ số hoạt động tốt, lành mạnh, hệ số an toàn vốn (CAR) cao...
Trước đó, sau hơn 2 tuần kể từ thời điểm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thông tin về lộ trình bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, đến nay vẫn chưa có nhà băng nào nhận được văn bản này, khiến ngân hàng và doanh nghiệp đều "nóng ruột" và ngóng chờ.
Trao đổi với VnBusiness, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết, có một số thông tin không chính thức Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp room tín dụng cho các ngân hàng, nhưng đến thời điểm hiện tại (chiều ngày 6/9), ngân hàng chưa nhận được thông báo điều chỉnh room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, ngân hàng đã cạn kiệt room tín dụng vẫn phải chờ được cấp chính thức từ cơ quan chủ quan để triển khai.
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14% nhưng không giao hết chỉ tiêu 14%, phần chưa giao sẽ ưu tiên cấp cho những ngân hàng dựa vào các yếu tố: Tổ chức tín dụng nào có “thể chất” tốt hơn, có hệ số an toàn vốn cao, tín dụng lành mạnh hơn, tham gia đóng góp nhiều hơn vào các mục tiêu chung của hệ thống như hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém, giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19…
Từ những yếu tố trên, các ngân hàng có khả năng được nới room cao phải kể đến là Vietcombank, MB, HDBank (nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc), VPBank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB,...
N.Linh