Liên quan thời điểm cấp thêm hạn mức (room) tín dụng cho các ngân hàng thương mại, trao đổi với VnBusiness chiều nay (6/9), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong cuộc họp báo Chính phủ chiều tối nay sẽ thông tin.
Ngân hàng vẫn ngóng chờ
Cuối tháng 8/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết chậm nhất tuần cuối tháng 8/2022 sẽ phân bổ room tín dụng còn lại trong tổng room tín dụng 14% cho các nhà băng, song đến nay room tín dụng vẫn chưa được cấp.
Trao đổi với VnBusiness, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết, có một số thông tin không chính thức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cấp room tín dụng cho các ngân hàng, nhưng đến thời điểm hiện tại (chiều ngày 6/9) ngân hàng chưa nhận được thông báo điều chỉnh room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, ngân hàng đã cạn kiệt room tín dụng vẫn phải chờ được cấp chính thức từ cơ quan chủ quan để triển khai.
Ngân hàng và doanh nghiệp đều "nóng ruột" và ngóng chờ được cấp thêm hạn mức tín dụng |
Tương tự, đại diện một nhà băng có quy mô lớn cho hay: "Hiện tại, vẫn còn im ắng lắm, chưa thấy thông tin chính thức từ NHNN về việc điều chỉnh room tín dụng thế nào cho ngân hàng. Nhưng theo thông tin đã rò rỉ từ trước nghỉ lễ, ngân hàng được cấp thêm kha khá. Vì vậy, có khi vẫn phải ngồi đợi. Hy vọng NHNN sớm có phân bổ hạn mức tín dụng bổ sung để ngân hàng có cơ sở cấp vốn cho khách hàng".
Tuy nhiên, nguồn tin từ NHNN cho biết, muộn nhất ngày 7/9, cơ quan này sẽ có văn bản gửi tới các ngân hàng thương mại về nội dung này.
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14% nhưng không giao hết chỉ tiêu 14% mà chỉ giao khoảng 11,5% room.
Phần còn lại (khoảng 3,5%) sẽ ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho những ngân hàng dựa vào các yếu tố: Tổ chức tín dụng nào có “thể chất” tốt hơn, có hệ số an toàn vốn cao, tín dụng lành mạnh hơn, tham gia đóng góp nhiều hơn vào các mục tiêu chung của hệ thống như hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém, giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19… sẽ được ưu tiên nới room tín dụng.
Từ những yếu tố trên, các ngân hàng có khả năng được nới room cao phải kể đến là Vietcombank, MB, HDBank (nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc), VPBank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB,...
Với hạn mức tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 15/8 đạt 9,62%. Điều này tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3-5%, tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.
Room cạn kiệt đẩy lãi vay tăng thêm
Cạn room tín dụng là câu chuyện nóng nhất trong ngành ngân hàng lúc này. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay các ngân hàng đang tích cực triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay theo các ngân hàng là nếu không được nới room tín dụng sẽ khó triển khai gói hỗ trợ theo đúng kế hoạch.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng: Không nới room tín dụng ngay thì cực kỳ khó giải ngân với gói hỗ trợ lãi suất. Nếu ngân hàng đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng thì làm sao có thể giải ngân được gói hỗ trợ lãi suất. NHNN đợi cuối năm mới nới room tín dụng là quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp".
Thực tế, hiện nay do cạn room nhiều ngân hàng hạn chế cho vay, cùng với đó tăng lãi suất. Bà Nguyễn Thanh Mai, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Flamingo cho biết: "Trong bối cảnh room tín dụng bị siết chặt, lãi suất đang có chiều hướng tăng nhẹ dần theo điều tiết của từng ngân hàng".
Thống kê trên website của một số ngân hàng thương mại, lãi suất tham chiếu cho các khoản vay hiện nay cũng đã tăng lên so với đầu năm. Ví dụ như tại ABBank, lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ngân hàng này vào đầu tháng 7 là 8,3%/năm đến nay cũng đã lên tới 8,8%/năm, tương ứng tăng thêm 0,5 điểm %.
Trước tình trạng những năm gần đây ngân hàng phải hoạt động cầm chừng để “ngóng chờ” room tín dụng được cấp thêm từ ngân hàng nhà nước, các chuyên gia lên tiếng cho rằng đã đến lúc NHNN bỏ công cụ hạn mức tín dụng đã tồn tại 11 năm qua thay bằng sử dụng các công cụ thị trường hơn.
Ông Phạm Xuân Hoè - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (NHNN) cho rằng: “Hiện Ngân hàng Nhà nước có trong tay nhiều công cụ khác để thay thế công cụ hạn mức tín dụng nhằm kiểm soát mức cung tín dụng cho nền kinh tế. Điều này cũng thể hiện định hướng điều hành theo hướng thị trường hơn qua công cụ gián tiếp, thậm chí vẫn có thể dùng công cụ nửa hành chính, nửa thị trường”.
Huyền Anh