Nhiều chuyên gia cho rằng, điều mà không chỉ ngân hàng mà doanh nghiệp lo ngại đến giờ này vẫn chưa biết ngân hàng có được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) hay không, room cũ thì nhiều ngân hàng cạn kiệt.
Room tín dụng có thể nâng lên 15-16% không làm gia tăng lạm phát
Theo TS. Cấn Văn Lực, NHNN còn băn khoăn chuyện chưa nới room tăng trưởng tín dụng do hai nguyên nhân là lo ngại lạm phát, thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Thực tế, tại cuộc làm việc giữa Thủ tướng với các bộ ngành, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan quản lý vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả năm 2022, dù nhận được một số kiến nghị về việc “nới” chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên khoảng 15-16%.
Giảm được lạm phát do chi phí đẩy sẽ có cơ hội xem xét tăng trưởng room tín dụng. |
Lý giải điều này, bà Hồng thông tin tăng trưởng tín dụng luỹ kế từ đầu năm tới 26/7/2022 là 9,42%. Con số này trong giai đoạn từ cuối tháng 7/2021 tới 26/7/2022 là 17%. Ngược lại, huy động vốn của hệ thống ngân hàng luỹ kế 7 tháng đầu năm ước đạt 4,21%.
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Thống đốc cho biết, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam - dựa trên cách tính GDP mới - ở mức 124%, đây là mức cao nhất thế giới. Cùng với đó, tỷ lệ tín dụng/huy động vốn từ thị trường 1 (tiền gửi của doanh nghiệp và người dân) đã đạt 99%, đồng nghĩa với hệ thống ngân hàng huy động được 100 đồng thì cho vay tới 99 đồng.
Hơn nữa, thời gian tới, một lượng tiền lớn sẽ được đưa vào nền kinh tế. “Với bối cảnh trên, cộng thêm áp lực lạm phát gia tăng thì không thể chủ quan. Trước mắt, NHNN vẫn điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%”, bà Hồng nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lạm phát tại Việt Nam hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy. Vì vậy, nếu kiểm soát giá xăng dầu và giá thịt lợn thì có thể tự tin kiểm soát được lạm phát dưới 4%.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nêu quan điểm, muốn chống lạm phát chi phí đẩy thì phải dùng thuế (giảm thuế để giảm lạm phát chi phí đẩy).
“Nếu không chống được lạm phát do chi phí đẩy, không dám sử dụng biện pháp về thuế, tài khóa để chống lạm phát, giảm nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào thì không thể nới room tín dụng. Ngoài lạm phát từ nhập khẩu, lạm phát từ nội tại sẽ không nhiều nếu chúng ta không in tiền, không phát hành tiền trong ngân sách chi tiêu. Khi giảm được lạm phát chi phí đẩy, chúng ta có cơ hội xem xét tăng trưởng trở lại một chút room tín dụng”, ông Nghĩa nói.
Dẫn số liệu tăng trưởng tín dụng của Mỹ bình quân trong vòng 3 năm vừa qua là 14%, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu tín dụng Mỹ tăng trưởng ở mức này thì tăng trưởng tín dụng Việt Nam năm nay ở mức 15-16% là có thể chấp nhận được.
Nới room ngay để “chờ” độ trễ của chính sách
Đồng tình, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi. Khi cả thế giới đang đối mặt với lạm phát thì chúng ta đã kiểm soát được, đó là một cơ hội rất tốt.
Theo ông Lực, nếu chờ đợi đến quý IV mới nới room tín dụng là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội. “NHNN cần lưu ý đến vấn đề này và theo tôi nên xem xét trong tháng tới, bởi nếu không khơi thông sớm sẽ bị mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau cực kỳ nguy hiểm và nợ xấu ngân hàng tăng lên”, ông nhận định.
Đồng thời, chuyên gia này lưu ý, nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.
Đồng quan điểm với TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng, do áp lực lạm phát đã giảm nhờ giá xăng dầu đã hạ nhiệt, nên NHNN có thể nên nới room ngay bây giờ vì tác động của chính sách thường có độ trễ, sau khi nới room thì quá trình tác động đến nền kinh tế cũng phải qua vài tháng.
Hơn nữa, sau khi thêm room, các ngân hàng cũng phải có khoảng thời gian triển khai cho vay. Doanh nghiệp vay được vốn cũng phải qua một giai đoạn sản xuất kinh doanh thì mới có đầu ra sản phẩm… Do đó, việc nới room ngay bây giờ thì cũng phải khoảng tới quý IV thì những tác động của chính sách mới được thể hiện rõ ràng.
Việc điều hành chính sách tiền tệ bằng room cũng có nhiều vấn đề còn tranh cãi, đặc biệt là mang tính chất hành chính, chủ quan, không có tiêu chí rõ ràng cho việc ngân hàng nào được cấp nhiều room hoặc cấp ít. Do đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Huân cho rằng, cần hướng tới việc thực thi chính sách tiền tệ thông qua các công cụ thị trường hơn.
Huyền Anh