Đây là nội dung được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thông tin tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31) được tổ chức ngày 26/8.
Cụ thể, Thống đốc chỉ đạo các đơn vị thuộc NHNN trung ương theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ trong nước và quốc tế; chủ động tham mưu điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ cũng như đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Dự kiến có khoảng 13 ngân hàng sẽ được nới room tín dụng vào đầu tuần sau. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Đây là điều kiện rất quan trọng để cơ quan quản lý xem xét nới room tín dụng cho các ngân hàng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu chậm nhất là đầu tuần sau thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất này cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Thực tế, cạn room tín dụng không phải là câu chuyện của riêng một ngân hàng nào, mà là tình trạng chung không ít ngân hàng đang phải đối mặt. Việc tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm quá cao khiến nhiều ngân hàng phải xin nới hạn mức cho nửa cuối năm và đang chờ NHNN phê duyệt.
Bản thân các doanh nghiệp cũng đang rất sốt ruột vì câu hỏi room tín dụng sẽ như thế nào tới đây? Nguyên nhân là doanh nghiệp đang thiếu vốn trầm trọng, nếu không được đáp ứng nhu cầu vốn trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp sẽ "tuột" mất các cơ hội kinh doanh.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, lạm phát tại Việt Nam đang được kiểm soát, giá xăng dầu đang có xu hướng giảm, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dồi dào. Đây là những điều kiện thuận lợi để nới room tín dụng cho các ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, tín dụng hiện mới chỉ chiếm chưa đầy 50% tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế. Vì vậy, không phải "bung" tín dụng là sẽ gây ra lạm phát, quan trọng là tín dụng rót vào lĩnh vực nào? Nếu sử dụng vào các lĩnh vực hiệu quả, tăng tín dụng sẽ không "kích" lạm phát lên.
Chuyên gia này cho rằng, nếu chờ đợi đến quý IV mới nới room tín dụng là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.
Với việc “bật đèn xanh” của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nhiều ý kiến nhận định sẽ có khoảng 13 ngân hàng được nới room vào tuần sau. Trong đó có một số cái tên “sáng giá” như: Vietcombank, MB, BIDV, HDBank, SHB, Sacombank, VPBank, LienVietpostBank, MSB…
Thanh Hoa