Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, tình hình kinh tế xấu đi, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, trong khi lãi suất cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam… Điều đó có thể khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ thêm lãi suất điều hành.
Lãi suất cao ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Phát biểu tại Toạ đàm "Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023" diễn ra ngày 11/5, chuyên gia kinh tế Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho hay, tốc độ tăng tín dụng và huy động vốn giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2023, do cầu yếu và lãi suất vẫn cao. Môi trường lãi suất cao đang là yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, ngoài việc ảnh hưởng đến sức khoẻ của hệ thống doanh nghiệp, môi trường lãi suất cao ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ thống ngân hàng và nếu ngân hàng khó khăn thì sau đó sẽ ảnh hưởng ngược lại đến doanh nghiệp.
Các chuyên gia dự báo lãi suất điều hành có thể giảm về mức 4% như trước đại dịch. |
Ông Tú Anh cũng nhấn mạnh lãi suất quá cao cũng gây ra làn sóng đổ vỡ ngân hàng tại Mỹ, thậm chí theo dự báo 186 ngân hàng tại Mỹ có nguy cơ sụp đổ, SBV là một trong những trường hợp điển hình bởi việc không quản trị được rủi ro trong môi trường lãi suất tăng cao.
Môi trường lãi suất cao cũng khiến huy động vốn của khu vực các tổ chức kinh tế giảm mạnh và tốc độ huy động vốn của ngành ngân hàng cũng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ bình quân trong 10 năm trở lại đây. Tiền gửi khu vực dân cư tăng mạnh, cho thấy sự tăng lên của cảm nhận rủi ro đầu tư, làm giảm nhu cầu thành lập doanh nghiệp.
Số liệu công bố mới nhất của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 2, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 11,795 triệu tỷ đồng, tương đương mức giảm khoảng 0,27% so với thời điểm cuối năm 2022. Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm có tổng cộng khoảng 23.780 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng bị rút khỏi ngân hàng.
Lý do dẫn đến mức suy giảm trên đến từ việc tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh. Theo thống kê đến tháng cuối tháng 2, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 5,615 triệu tỷ đồng, tương đương mức giảm 5,68% so với cuối tháng 12/2022.
Đáng chú ý, đây là tháng thứ hai liên tiếp, tiền gửi của các tổ chức kinh tế suy giảm. Ước tính chỉ sau 2 tháng đầu năm, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã giảm đến 338.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi từ cư dân sau 2 tháng đầu năm đã tăng thêm đến 314.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng 5,36%), đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương.
Theo báo cáo từ VEPR, huy động vốn khu vực tổ chức kinh tế giảm trong khi tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của các doanh nghiệp; những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân.
Bên cạnh đó, một phần của tiền gửi tổ chức kinh tế giảm là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu có xu hướng chuyển tiền nhàn rỗi ra bên ngoài để hưởng lãi suất USD đang cao, trong khi lãi suất USD tại Việt Nam vẫn duy trì chính sách 0%.
Lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4%?
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng, có nhiều yếu tố thuận lợi để NHNN tiếp tục hạ lãi suất như: áp lực về tỷ giá thế giới đã giảm, thanh khoản ngân hàng của Việt Nam đã tốt hơn so với quý IV/2022, tín dụng tăng chậm… Nếu giải ngân đầu tư công tăng lên và giảm được nợ đọng vốn của doanh nghiệp, tiếp tục giải quyết tốt sự ách tắc, cải thiện được môi trường kinh doanh thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt.
Theo đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4% đến năm 2025, tức về mức trước đại dịch Covid-19.
Ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia Công ty CP chứng khoán VnDirect phân tích: Trong tháng 3/2023, NHNN đã có 2 đợt giảm lãi suất điều hành, đánh dấu sự đảo chiều về chính sách tiền tệ trong nước. Trước nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang ngày càng gia tăng, thị trường kỳ vọng Fed sẽ dừng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 6/2023. Nếu kịch bản này xảy ra, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt.
“Theo đó, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất là 50 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm 2023”, ông Hinh nói.
Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo NHNN sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản xuống 5% vào cuối quý II, sau đó lãi suất sẽ duy trì cho đến cuối năm 2025. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra tình huống lãi suất sẽ tăng, đặc biệt là vào cuối năm, do NHNN có thể sẽ chú trọng vào sự ổn định của thị trường tài chính hơn là tăng trưởng.
“Từ đầu năm 2023, NHNN đã chuyển hướng sang hỗ trợ quá trình phục nồi của nền kinh tế. Ngoài việc cắt giảm lãi suất, NHNN còn hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bằng cách cho họ thêm thời gian để giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản. Tháng 4 năm nay, các điều khoản cho vay đã dễ dàng hơn, bao gồm việc hoãn trả nợ (tối đa 12 tháng) và miễn giảm lãi suất. Thị trường bất động sản có thể sẽ cần thêm các biện pháp hỗ trợ thanh khoản do các biện pháp đã được triển khai tính đến nay mới chỉ giúp làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn”, ông Tim Leelahaphan nêu.
Mặc dù các chuyên gia dự đoán NHNN sẽ giảm thêm lãi suất điều hành, song tại Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu” tổ chức ngày 10/5, NHNN vẫn tỏ ra thận trọng. Bà Dương Thị Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, tuy Fed đã tạm dừng tăng lãi suất, song mặt bằng lãi suất của Fed vẫn sẽ ở mức cao. Hơn nữa, nguy cơ lạm phát tiềm ẩn trong nước và thế giới vẫn rất lớn. Chính vì vậy, NHNN phải thận trọng, linh hoạt để vừa đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Huyền Anh