Đào tạo gần 4.000 cán bộ nhân viên để tư vấn dịch vụ bảo hiểm cho khách hàng, nhưng doanh thu từ hợp tác bảo hiểm năm 2020 của Techcombank vẫn giảm 11,2%. |
Theo ghi nhận của Thời báo Kinh Doanh, trong những năm gần đây, nguồn thu từ phí dịch vụ của các ngân hàng tăng nhanh. Đặc biệt, trong năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn thu từ tín dụng giảm mạnh, thu từ phí dịch vụ đã góp phần lớn vào tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.
Đáng lưu ý, trong các nguồn thu từ phí hiện nay, nguồn thu từ phí bảo hiểm ngày càng chiếm thị phần lớn. Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2020 của 30 ngân hàng, ghi nhận 5 ngân hàng có thuyết minh chi tiết về hoạt động bảo hiểm.
Cụ thể, tại MB trong năm 2020 riêng kinh doanh bảo hiểm chiếm tới 71% nguồn thu dịch vụ của ngân hàng. Năm 2019, nguồn thu này chỉ mới chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 65% tổng thu nhập hoạt động dịch vụ của MB.
Tương tự tại VIB trong 3 năm qua, mảng bảo hiểm đã mang về hàng nghìn tỷ đồng cho ngân hàng. Năm 2018, lãi thuần bán bảo hiểm mới đóng góp khoảng 22% tổng lãi thuần hoạt động dịch vụ của VIB. Tuy nhiên, số này đã tăng lên 54% vào một năm sau đó (2019) khi VIB ký kết hợp đồng phân phối bảo hiểm với Prudential.
Năm 2020, thu nhập từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm của VIB đạt 1.212 tỷ đồng, chiếm 41% thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Lãi thuần từ hoạt động này là hơn 1.190 tỷ đồng, chiếm 49,8% lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của VIB.
Tương tự, tại VPBank và TPBank, mảng này chiếm khoảng 41% và 37% trong tổng thu nhập dịch vụ của các ngân hàng này.
Tuy nhiên, về doanh thu từ bảo hiểm trong năm 2020 ghi nhận sự tăng - giảm trái chiều giữa các nhà băng, trong đó 3 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm.
Cụ thể, báo cáo tài chính quý IV/2020 của TPBank, doanh thu từ kinh doanh dịch vụ bảo hiểm và tư vấn sụt giảm 16,6%; VPBank giảm 11,5%. Đặc biệt, Techcombank có doanh thu từ hợp tác bảo hiểm giảm 11,2% so với năm 2019, còn 827.321 triệu đồng.
Trong khi đó, 2 ngân hàng còn lại là MB vẫn tăng mạnh tới 39,2% và VIB tăng 9,5% doanh thu dịch vụ hoa hồng bảo hiểm.
Đáng lưu ý, đây là 3 nhà băng thường xuyên nằm trong nhóm dẫn đầu về doanh thu từ bán bảo hiểm. Ví dụ, riêng trong năm 2019, Techcombank ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm tăng hơn 35%, ở mức 931.882 triệu đồng.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh hồi tháng 2/2020, Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết, mục tiêu của Techcombank trong năm 2020 là đẩy mạnh doanh thu phí từ mảng bảo hiểm.
Theo đó, nhằm chuẩn bị cho mục tiêu này, từ năm 2019 ngân hàng đã đào tạo gần 4.000 cán bộ nhân viên để có thể tư vấn tốt nhất cho khách hàng trong việc mua bảo hiểm.
“Ðiều này rất quan trọng nên Techcombank phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực trong việc đẩy mạnh doanh thu từ phí bảo hiểm. Ðây là quá trình chuẩn bị để Techcombank có kết quả tốt nhất trong năm 2020”, ông Quốc Anh nói.
Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã từng có văn bản yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm, trong đó chấn chỉnh tình trạng các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, đã có tác động tới hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm của các ngân hàng.
Tại tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trình Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính thừa nhận, vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức, ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; giữa các kênh phân phối khác nhau (đại lý với đại lý hoặc môi giới, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hoặc giữa các chi nhánh của cùng doanh nghiệp với nhau).
Thanh Hoa