Sau cái "bắt tay" với Sun Life Việt Nam, ước tính ACB thu về 370 triệu USD (tương đương 8.500 tỷ đồng) tiền phí trả trước. |
Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới công bố, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, trong tháng 12/2020, VietinBank và Manulife Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng.
Theo ước tính, mức phí trả trước mà VietinBank nhận được từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với Manulife vào khoảng 350 triệu USD.
Đồng thời, nhóm phân tích cũng dự báo thu nhập từ bancassurance của VietinBank sẽ tăng 30% - 50% so với cùng kỳ trong 5 năm tới.
Ở góc độ ngân hàng, mặc dù không công bố rõ về giá trị thương vụ nhưng ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, hiện doanh số phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng của VietinBank đang đứng đầu trong số các ngân hàng quốc doanh và Manulife cũng là công ty bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam nên giá trị hợp đồng cũng phải tương xứng.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021, lãnh đạo VietinBank cho biết, năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 10-20% trong năm 2021. Điều này có nghĩa là lợi nhuận của VietinBank năm 2021 thấp nhất sẽ đạt 18.000 tỷ đồng.
Trong năm 2020, ACB ký hợp đồng bancassurance độc quyền với Sun Life Việt Nam. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), khoản phí trả trước của ACB nhận được khi ký kết hợp đồng với Sun Life Việt Nam lên tới 101 USD/khách hàng.
VCBS cho rằng, sau cái bắt tay của ACB và Sun Life Việt Nam, mức phí trả trước lên tới 370 triệu USD (tương đương 8.500 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương nhận được từ hợp đồng bancassurance hợp tác bảo hiểm độc quyền.
Mức phí này cao gấp 4 lần so với con số dự báo khoảng 90 triệu USD do nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính trước đó.
Một thương vụ độc quyền hàng nghìn tỷ đồng khác cũng được ký kết giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm phải kể đến là Vietcombank hợp tác với FWD với thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối trong thời hạn 15 năm.
Phí trả trước cho thương vụ này được ước tính sẽ mang về cho Vietcombank khoảng 400 triệu USD, tương đương khoảng 9.300 tỷ đồng.
Trước đó, trong cú bắt tay giữa Techcombank và Manulife, mức phí này khoảng 41,4 USD/khách hàng; TPBank và Sun Life là 30,9 USD/khách hàng.
AIA và VPBank ký thỏa thuận hợp tác phân phối độc quyền 15 năm; Dai-ichi Việt Nam ký hợp đồng độc quyền với SHB trong 15 năm. Năm 2018, NCB ký hợp đồng bancassurance độc quyền với Prévoir Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy các thương vụ bacassurance khiến các ngân hàng giàu sụ. Ngoài khoản phí lót tay lên đến hàng trăm triệu USD, mỗi năm các dự phóng lợi ích bảo hiểm tương lai trên phí hoa hồng dự kiến tăng từ 30% - 50% so với cùng kỳ.
Điều này đã khiến các ngân hàng ngày càng quan tâm hơn đến việc bắt tay vào hợp tác độc quyền cùng những đối tác bảo hiểm danh tiếng. Một số ngân hàng chưa có nhà hợp tác độc quyền nhưng sở hữu big data lớn, tệp khách hàng dày, hệ sinh thái rộng, có chiến lược mở rộng chào đón đối tác bán bancassurance.
Chẳng hạn, chia sẻ về việc tìm đối tác trong việc ký kết độc quyền bảo hiểm, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB kỳ vọng mức phí trả cho các hợp đồng hợp tác độc quyền với ngân hàng trong năm đầu tiên cho ngân hàng sẽ hợp lý.
Hiện, doanh thu phí bảo hiểm ở MSB hàng tháng là 50 tỷ đồng, kém 30 tỷ đồng so với của ACB, nên MSB kỳ vọng con số thu về cũng tương đối.
Về tiêu chí chọn đối tác, MSB kỳ vọng chọn trong Top 3 về bảo hiểm ở Việt Nam và phải là đối tác có kinh nghiệm về bancassurance, phù hợp thị trường Việt Nam. Đồng thời, mức phí mà công ty bảo hiểm chia sẻ với ngân hàng phải cạnh tranh với thị trường và có mức phí trả trước hợp lý, phù hợp chiến lược của ngân hàng, bởi đó là hợp đồng độc quyền trong thời gian dài.
Thanh Hoa