Các ngân hàng đẩy mạnh việc bán bảo hiểm qua ngân hàng nhằm gia tăng nguồn thu từ phí, bù đắp cho nguồn thu từ kênh tín dụng. (Ảnh: Int) |
Trên thị trường hiện nay, những nhà băng đang thu nhiều lợi nhuận nhất từ hoạt động bancassurance là Vietcombank, MBBank, VIB, VPBank, Techcombank…
Nhân viên ngân hàng thêm việc bán bảo hiểm
Theo tìm hiểu, tỷ lệ chiết khấu phí bảo hiểm nhân thọ khách hàng đóng trong năm đầu tiên cho các ngân hàng rất cao, có ngân hàng được hưởng đến 50%. Thống kê của các công ty bảo hiểm cho biết, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh bancassurance và kênh đại lý tư vấn bảo hiểm chiếm khoảng 90% tổng doanh thu phí mới toàn thị trường, trong đó bancassurance đóng góp khoảng 25%.
Theo ước tính của ông Ngô Trung Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, doanh số khai thác qua kênh Bancassurance nhân thọ trong nửa đầu năm nay tăng trưởng trên 20%. Như năm ngoái, kênh Bancassurance trung bình chiếm 25% doanh thu phí khai thác mới nhân thọ cả năm.
Dự báo, tỷ lệ đóng góp của kênh này vào tổng doanh thu phí mới toàn thị trường dự báo sẽ còn tiếp tục tăng và có thể đạt 40% trong thời gian tới.
Có thể thấy, thời gian qua sau khi ồ ạt ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với các công ty bảo hiểm lớn. Do đặt kỳ vọng cao vào mảng bảo hiểm, chỉ tiêu được nhiều ngân hàng giao xuống các chi nhánh rất cao, đến lượt các chi nhánh lại "ép" chỉ tiêu xuống các phòng giao dịch rồi chia bình quân cho các nhân viên. Để đạt chỉ tiêu được giao, các nhân viên cũng tư vấn làm sao bán cho được bảo hiểm thay vì tư vấn đầy đủ cho khách hàng.
Hiện nay, nhiều nhân viên tại quầy hay cán bộ tín dụng các ngân hàng cũng than phiền áp lực khi phải chịu chỉ tiêu kép về tín dụng và bảo hiểm. Mức hoa hồng bán bảo hiểm mà nhân viên ngân hàng được hưởng khoảng trên dưới chục phần trăm nên nhiều người cũng không "mặn mà" trong khi áp lực tăng cao. Nhiều nhân viên tư vấn chưa đầy đủ và thường lấy "lãi suất ưu đãi" để mời khách hàng mua bảo hiểm.
Về phía khách hàng, nhiều người cho biết khi đến ngân hàng gửi tiết kiệm thường xuyên được nhân viên chào mời mua bảo hiểm nhân thọ. Ngoài ra, còn đủ loại bảo hiểm "bao vây" khi đặt chân đến ngân hàng để vay vốn.
Trúng đậm nhờ... Bancassurance
Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, doanh số và lãi thuần bán bảo hiểm tại các ngân hàng đã tăng mạnh trong thời gian qua bất chấp dịch bệnh.
Số liệu từ báo cáo tài chính quý III của Vietcombank cho thấy, trong tháng 9 vừa qua, ước tính riêng lợi nhuận từ mảng bảo hiểm đã mang về cho ngân hàng trên 2.000 tỷ đồng.
Không riêng Vietcombank, ba quý đầu năm nay, mảng bảo hiểm tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động dịch vụ của MB với 2.135 tỷ lãi thuần, tăng 25% và chiếm 86% tổng lãi thuần hoạt động dịch vụ. Hiện tại, MBBank cũng đang là kênh phân phối bảo hiểm lớn nhất của MIC và MB Ageas Life với gần 300 điểm giao dịch và khoảng 85-90% doanh thu mỗi năm.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, VIB ghi nhận 1.637 tỷ đồng lãi thuần dịch vụ, tăng 28%. Trong đó, số thu từ bán bảo hiểm là 821 tỷ đồng, cũng chiếm trên 50%.
Tại hàng loạt ngân hàng có hoạt động bán chéo bảo hiểm, đây cũng đang là nguồn thu quan trọng trong cơ cấu thu dịch vụ như VPBank (chiếm gần 45%); TPBank (60%); HDBank (65%); LienVietPostBank, OCB, SeABank cùng ở mức trên 70%...
Các ngân hàng cũng dồn dập tuyển dụng nhân sự để bán bảo hiểm. Ngoài sử dụng tư vấn viên của doanh nghiệp bảo hiểm như nhiều nhà băng khác, Techcombank, VIB và Sacombank là số ít ngân hàng dùng nhân sự hiện tại và tuyển dụng thêm chuyên viên hỗ trợ kinh doanh bảo hiểm, làm việc trực tiếp cho chính ngân hàng.
Theo đó, nhân viên của ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm tư vấn trước, trong và sau quá trình bán bảo hiểm. Họ cũng là đầu mối đầu tiên để khách liên lạc khi phát sinh nhu cầu liên quan tới hợp đồng bảo hiểm.
Thực tế, gần đây đã có không ít vụ "cơm không lành, canh không ngọt" giữa khách với ngân hàng liên quan đến bảo hiểm. Chính vì vậy, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 7928/NHNN-TTGSNH quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm vừa gửi đến các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống. Đồng thời, yêu cầu các nhà băng tăng cường rà soát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp ép, bắt buộc khách mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng.
Đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện chào bán, giải thích điều kiện, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm cũng như các hoạt động đại lý bảo hiểm khác cho khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, nhằm giúp khách hàng hiểu đúng/đủ quyền và lợi ích, các điều kiện/điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm.
Trước đó Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An từng có công văn chấn chỉnh tình trạng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng, trong đó khẳng định sẽ thanh tra, kiểm tra chuyện ngân hàng "ép" khách vay mua thêm các loại bảo hiểm không liên quan. Ngân hàng nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Thanh Hoa