Theo Bloomberg, thương vụ Vietcombank và Tập đoàn FWD ký thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm trong 15 năm với giá trị ước tính lên tới 1 tỷ USD. (Ảnh: Int) |
Năm 2020 có thể coi là thời điểm bùng nổ các thương vụ hợp tác lớn có giá trị nghìn tỷ đồng giữa ngân hàng với doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài giá trị lớn, thời gian hợp tác độc quyền của thương vụ cũng được kéo dài với thời hạn trên 15 năm.
Những hợp đồng nghìn tỷ
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, Top 5 nhà phân phối bancassurance ở Việt Nam tính đến cuối năm 2019, gồm: VIB (14,3%, hợp đồng độc quyền với Prudential), MBB (10,9%, qua MB Ageas Life JV), TCB (9,1%, hợp đồng độc quyền với Manulife), STB (7,8%, hợp đồng độc quyền với Dai-ichi Life), và ACB (6,1%, đối tác toàn diện với AIA, Manulife và FWD).
Tuy nhiên, trong năm 2020 “bảng xếp hạng” có thể thay đổi do một số ngân hàng tăng mạnh doanh thu từ mảng kinh doanh này và một số nhà băng tăng giá trị ký độc quyền bán bảo hiểm.
Điển hình, ACB vừa ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với Sun Life Việt Nam trong thời hạn 15 năm. Dù giá trị thương vụ này không được các bên tiết lộ nhưng trong những ngày qua, trên thị trường đã có không ít con số được đưa ra cho thấy đây là một trong những thương vụ ký kết độc quyền lớn về bancassurance.
Theo ước tính của nhóm phân tích của BVSC, upfront fee (phí trả cho các hợp đồng hợp tác độc quyền với ngân hàng trong năm đầu tiên) mà ACB thu được từ thương vụ này có thể hơn 90 triệu USD (khoảng 2.100 tỷ đồng). Trong khi đó, Công ty chứng khoán SSI đưa giả định phí độc quyền trong trường hợp của ACB có thể khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng.
Hay như thương vụ Vietcombank và Tập đoàn FWD ký thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm trong 15 năm với giá trị ước tính lên tới 1 tỷ USD (theo Bloomberg).
Trong thương vụ này, hãng bảo hiểm đến từ Hong Kong phải chi trả ngay cho ngân hàng phía Việt Nam 400 triệu USD.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB chia sẻ doanh thu phí bảo hiểm hiện nay ở ngân hàng mỗi tháng là 50 tỷ đồng, kém 30 tỷ đồng so với của ACB nên MSB kỳ vọng việc ký kết độc quyền bảo hiểmsẽ mang lại cho MSB mức trả upfront hợp lý.
“MSB kỳ vọng chọn trong Top 3 về bảo hiểm ở Việt Nam, có kinh nghiệm về bancassurance. Đồng thời, mức phí mà công ty bảo hiểm chia sẻ với ngân hàng phải cạnh tranh với thị trường và có mức phí upfront hợp lý, phù hợp chiến lược của ngân hàng bởi đó là hợp đồng độc quyền trong thời gian dài”, ông Linh cho hay.
Như vậy, sau mỗi thương vụ bancassurance, ngoài việc các ngân hàng sẽ có 1 khoản trả trước, thì mỗi năm nhà băng còn thu về hàng chục tỷ đồng từ phí dịch vụ. Đây là khoản thu nhập khá ổn định cho các ngân hàng trong bối cảnh doanh thu từ tín dụng sụt giảm.
Theo tìm hiểu, tỷ lệ chiết khấu phí bảo hiểm ngân hàng được hưởng lên tới trên 50%. Thậm chí, có những ngân hàng được hưởng 100% doanh số bảo hiểm năm đầu tiên, đến các năm sau tỷ lệ hoa hồng được chia lại nhưng phần lớn cũng nghiêng về ngân hàng. Chưa kể, bảo hiểm bán kèm khi cấp tín dụng còn có giá trị là bảo hiểm khoản vay, giúp ngân hàng yên tâm cho khách vay tiền.
Vẫn còn những e ngại
Thực tế, ký kết độc quyền với một ngân hàng để bán các sản phẩm bảo hiểm được nhận định là xu thế tất yếu. Bởi, nếu không áp dụng cơ chế phân phối độc quyền, một ngân hàng có thể được bán nhiều sản phẩm của các công ty bảo hiểm khác nhau và dễ dẫn đến tình trạng mua bán lộn xộn. Trong khi đó, công ty bảo hiểm không đầu tư kỹ cho các ngân hàng này, nên mô hình bán bảo hiểm như vậy rất dễ thất bại.
Một lý do quan trọng khác khiến các công ty bảo hiểm muốn hợp tác độc quyền với một ngân hàng, đó là để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, hiện nay vẫn có một số ngân hàng hợp tác cùng với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, đó chỉ là kế hoạch ban đầu của các ngân hàng để chọn lựa đối tác thích hợp nhất trước khi chính thức bán qua kênh độc quyền.
Đưa ra nhận định về thương vụ hợp tác có giá trị và quy mô lớn trên thị trường bancassurance Việt Nam vừa qua, một số ý kiến lo ngại, chi phí cho các thương vụ hợp tác với ngân hàng ngày càng tăng cao, thì việc tăng trưởng “nóng” để đạt chỉ tiêu doanh thu, cạnh tranh không lành mạnh với kênh đại lý có thể dẫn đến hệ lụy là hợp đồng bị hủy trong năm đóng phí bảo hiểm tiếp theo và chất lượng tư vấn giảm sút là những vấn đề đáng lưu ý của thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Thực tế, tình trạng khách hàng phàn nàn về việc không được nhân viên ngân hàng tư vấn các gói bảo hiểm kỹ càng thường xuyên xảy ra.
Một chuyên gia lâu năm trong việc hoạch định chiến lược và kinh doanh bảo hiểm cũng chỉ ra tình trạng “ăn xổi ở thì” trong hoạt động bancassurance hiện nay khi để khách dễ dàng chấp nhận mua bảo hiểm, các tư vấn viên là nhân viên ngân hàng dù sao vẫn không thể am hiểu sản phẩm, dịch vụ bằng những nhân viên bảo hiểm thực thụ. Các ngân hàng bán bảo hiểm nhân thọ bằng niềm tin của khách hàng với ngân hàng, còn câu chuyện sau đó là của công ty bảo hiểm.
Trong khi đó, bảo hiểm nhân thọ hoàn toàn khác với sản phẩm gửi tiết kiệm, một khi khách hàng đã mua bảo hiểm phải chăm sóc khách hàng trong thời gian rất lâu cho đến khi kết thúc hợp đồng.
Thanh Hoa