Lãi suất huy động đang trong xu thế giảm. (Ảnh: Int) |
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh thanh khoản dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng thấp, các ngân hàng đang cơ cấu lại biểu lãi suất huy động theo hướng tiếp tục giảm lãi suất với mức giảm phổ biến 0,1-0,2%/năm, đồng thời hạn chế huy động những kỳ hạn dài.
Đặc biệt, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm online - loại hình mà trước đây thường được ngân hàng ưu ái lãi cao, cũng giảm mạnh. Có ngân hàng huy động ở mức 5,2%/năm áp dụng cho kỳ 12 tháng.
Diễn biến này trái ngược với trước đây khi các ngân hàng khuyến khích người dân gửi dài hạn để ổn định nguồn vốn và thiết lập đường cong lãi suất theo hướng kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao.
Hiện, mức lãi suất 8-9%/năm đã hoàn toàn biến mất trên biểu lãi suất tiền gửi của các ngân hàng, ngay cả tại một số ngân hàng nhỏ như SCB, OCB vốn duy trì mức lãi suất huy động cao.
Khảo sát tại các ngân hàng có vốn nhà nước, hiện lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên tại VietinBank có mức cao nhất 6,0%/năm. Trong khi đó, BIDV vẫn giữ biểu lãi suất như tháng trước, hiện ở mức 5,80%/năm; Vietcombank đang huy động ở mức 5,9%/năm.
Đáng lưu ý, trong nhóm các ngân hàng được khảo sát, VPBank đang huy động ở mức thấp nhất cho kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 24 tháng. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,1%/năm, kỳ hạn 24 tháng là 5,2%/năm.
Trong khi đó, huy động cùng kỳ hạn, NCB niêm yết mức lãi khá cạnh tranh, lần lượt là 7,0%/năm và 7,40%/năm, là ngân hàng đang huy động vốn online cao nhất trên thị trường.
Cũng nằm trong nhóm ngân hàng có mức lãi suất huy động online cao trên hệ thống hiện nay còn có OceanBank với mức lãi suất 7,10%/năm; SCB và VietCapital Bank ở mức 7,00%/năm.
Bên cạnh đó, vẫn có ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao. Cụ thể, SHB vừa phát hành 2.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân với mức lãi suất lên đến 7,5%/năm năm đầu tiên cho kỳ hạn 8 năm. Trường hợp mua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 6 năm, lãi suất năm đầu tiên lên đến 7,3%/năm.
Có thể thấy, mức lãi suất cao nhất được các ngân hàng huy động không còn dành cho các kỳ hạn dài trên 36 tháng như trước, mà tập trung chủ yếu vào kỳ hạn 12-24 tháng. Thậm chí, có ngân hàng còn hạ lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng xuống mức thấp hơn lãi suất huy động 24 tháng.
Theo các chuyên gia kinh tế, thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá dồi dào. Đặc biệt là thời gian qua, nhiều ngân hàng tập trung huy động vốn dài hạn nhằm đáp ứng được quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Ngân hàng Nhà nước, nên nhu cầu vốn dài hạn đến nay có phần giảm bớt, lãi suất cũng vì thế mà có xu hướng giảm nhẹ hoặc đi ngang.
Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng thương mại đánh giá, nhu cầu khách hàng gửi tiết kiệm online ngày càng tăng không chỉ nhờ mức lãi suất đang được áp dụng cao hơn so với lãi suất huy động thông thường tại quầy, mà còn bởi thủ tục khá đơn giản, thao tác giao dịch gửi tiết kiệm online chỉ cần thực hiện trong từ 3 -5 phút.
Nhận định xu hướng trong thời gian tới, nhiều chuyên gia và các ngân hàng cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2021.
Bà Đào Minh Anh, Phó Tổng giám đốc OCB đánh giá: “Dịch Covid-19 đang được khống chế rất tốt, doanh nghiệp Việt so với các nước khác cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, sự thông thương với quốc tế đã và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, nên năm 2021 sẽ là năm vô cùng khó khăn đối với cả các doanh nghiệp, các cá nhân cũng như đối với ngân hàng".
Thanh Hoa