Thời gian qua, cử tri một số tỉnh thành tiếp tục kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung thêm giải pháp hỗ trợ về thủ tục, lãi suất vay ngân hàng để những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động thực sự có nhu cầu về nhà ở có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội.
Đến tháng 6/2024, các ngân hàng thương mại đã giải ngân 1.344 tỷ đồng, tăng 646,67% so với cuối năm 2023. |
Trả lời kiến nghị cử tri, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, bám sát chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu về nhà ở cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người lao động, thời gian qua, NHNN luôn xác định ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho phát triển nhà ở xã hội, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục đi đôi với việc tuân thủ đúng quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng.
Về tình hình thực hiện các chương trình, NHNN thông tin: Đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng cho vay cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị và các chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, NHNN đã dành khoảng 30.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho 19 ngân hàng thương mại (NHTM) để có nguồn vốn tham gia Chương trình.
Theo NHNN, đến cuối tháng 8/2024, lãi suất áp dụng đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng đã giảm 1%/năm so với kỳ 1/1/2024-30/06/2024 và giảm gần 2%/năm so với thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình.
Chương trình này hoàn thành giải ngân vào 31/12/2016, đạt doanh số hơn 29.000 tỷ đồng. Đến ngày 30/06/2024, dư nợ cho vay của Chương trình đối với khách hàng là 3.792 tỷ đồng.
Đối với các chương trình cho vay về nhà ở tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH): Đến 30/06/2024, dư nợ cho vay của chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP là 17.191 tỷ đồng với 45.262 khách hàng còn dư nợ.
Chương trình cho vay nhà ở đối với các đối tượng chính sách (cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; cho vay hỗ trợ nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long): Đến 30/6/2024, dư nợ cho vay tại NHCSXH là khoảng 3.030 tỷ đồng với trên 125.000 khách hàng còn dư nợ.
Đối với Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, trong đó chủ lực là 4 NHTM nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank), NHNN xác định đây là Chương trình quan trọng theo chủ trương của Chính phủ nên đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và chỉ đạo NHTM quyết liệt triển khai; đồng thời theo dõi khó khăn, vướng mắc để tìm cách tháo gỡ.
Chương trình được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn huy động của người gửi tiền của các NHTM, việc cho vay được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về cho vay.
Đến tháng 6/2024, các NHTM đã giải ngân 1.344 tỷ đồng, tăng 646,67% so với cuối năm 2023.
NHNN cũng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cụ thể, NHNN đã 4 lần công bố lãi suất áp dụng đối với Chương trình (theo hướng giảm dần qua các kỳ công bố).
Hiện, mức lãi suất cho vay của các NHTM áp dụng đối với khách hàng là chủ đầu tư dự án ở mức 7%/năm và đối với khách hàng là người mua nhà tại dự án ở mức 6,5%/năm (áp dụng từ ngày 01/07/2024 đến hết ngày 31/12/2024).
Như vậy, lãi suất áp dụng đối với Chương trình đã giảm 1%/năm so với 6 tháng đầu năm nay và giảm gần 2%/năm so với thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình.
Cũng liên quan đến thông tin này, mới đây trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ đề án triển khai đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 có thông tin đáng lưu ý là về tiến độ giải ngân gói 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay giải ngân được 1.344 tỷ đồng, trong đó có 1.295 tỷ đồng cho các chủ đầu tư vay, 49 tỷ đồng cho người mua nhà vay.
Lý giải việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn chậm bởi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai như quy hoạch bố trí quỹ đất, việc công khai dự án thu hút đầu tư... Đồng thời, lãi suất cho vay còn cao, ít ngân hàng tham gia. Hiện, ngoài 4 NHTM Nhà nước, có thêm 4 NHTM khác là MB, Techcombank, TPBank, VPBank tham gia chương trình.
Vì thế, Bộ Xây dựng kiến nghị NHNN chỉ đạo khuyến khích các ngân hàng khác tham gia gói 120.000 tỷ đồng và xem xét giảm lãi suất và nâng thời hạn cho vay đối với gói tín dụng này.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 05/08/2024, Thống đốc NHNN đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý đề xuất điều chỉnh nội dung Chương trình theo hướng nâng mức giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà từ 2% lên 3% trong 5 năm đầu, 5 năm tiếp theo thấp hơn 1% - 2% so với lãi suất cho vay bình quân trung dài hạn VND của 4 NHTM nhà nước.
Thanh Hoa