Thời hạn mới của Thông tư 02 (31/12/2024) vẫn chưa đủ dài để giúp doanh nghiệp, người dân thực sự phục hồi năng lực sản xuất kinh doanh cũng như khả năng chi tiêu.
Nợ xấu tăng nhanh
Theo các chuyên gia, mặc dù lãi suất huy động bắt đầu tăng từ tháng 4 nhưng vẫn ở mức thấp, trong khi nhu cầu tín dụng yếu đã làm giảm NIM của hầu hết các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ.
Tính đến cuối tháng 8/2024, tăng trưởng tín dụng tăng 6,63% so với cuối năm 2023, chỉ đạt hơn 40% so với mục tiêu tăng 15% của cả năm. Đây cũng là mức tương đối thấp so với tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ trong các năm gần đây, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020, 2023 và thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm 2019, 2021 và 2022.
Nợ xấu nội bảng toàn hệ thống (cả ngân hàng niêm yết và chưa niêm yết) cuối quý II đã tăng lên khoảng gần 5%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn khác thì ở mức 6,9%. |
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm trong thời gian qua là do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là bất động sản vẫn chưa thực sự phục hồi đáng kể. Điều này đã khiến các ngân hàng buộc phải thực hiện chính sách thận trọng tăng dư nợ trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu đang tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Thống kê dựa trên báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết trong quý II/2024, số dư nợ xấu đã tăng gần 45.000 tỷ đồng (tương ứng 22%) so với cuối năm 2023.
Số liệu nêu trên là mức tăng theo giá trị tuyệt đối. Còn tính theo tỷ lệ (nợ xấu/tổng dư nợ) được WiGroup, một đơn vị chuyên về dữ liệu tài chính, tính toán thì đã đạt mức 2,22% ở thời điểm cuối quý II/2024 - cao hơn mức 2,18% của quý I/2024 và mức 1,96% trong quý IV/2023.
Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh có tỷ lệ nợ xấu trung bình khoảng 1,5%, các ngân hàng tư nhân lớn từ 2 - 3%, còn các ngân hàng tư nhân trung bình và nhỏ từ 4 - 6%, và có xu hướng tăng mạnh trong những quý gần đây.
Còn theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu nội bảng toàn hệ thống (cả ngân hàng niêm yết và chưa niêm yết) cuối quý II đã lên khoảng gần 5%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn khác thì ở mức 6,9%.
Giới chuyên môn nhận định dù có cơ chế cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ, nợ xấu vẫn gia tăng. Đáng chú ý, hiện nợ xấu vẫn gây áp lực lên nhóm ngân hàng thương mại lớn và vừa do vẫn còn chịu tác động tiêu cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản... Điển hình, các ngân hàng quốc doanh như VietinBank và BIDV có tỷ lệ nợ có vấn đề tăng lên do lĩnh vực liên quan đến xây dựng và bất động sản.
Trong khi đó, chất lượng tài sản nhiều ngân hàng nhỏ đang suy giảm. Một số ngân hàng nhỏ dễ bị tổn thương hơn trước rủi ro thanh khoản do tăng nguồn vốn thị trường ngắn hạn trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi thấp. Cụ thể, một số ngân hàng như NCB, BAC A Bank, Saigonbank... ghi nhận tỷ lệ nợ có vấn đề (NPL) hình thành mới cao hơn so với các ngân hàng khác, chủ yếu từ phân khúc bán lẻ và SME.
NIM giảm nhẹ, trích lập dự phòng rủi ro khó tăng
Trong bối cảnh nợ xấu tăng nhanh, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo nửa cuối năm nay, NIM của hầu hết ngân hàng sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ khiến thu nhập hoạt động giảm tốc, không còn nhiều dư địa tăng trích lập dự phòng.
Theo MBS, NIM của các ngân hàng niêm yết trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm 18 điểm cơ bản so với cùng kỳ và 7 điểm cơ bản vào năm 2023, đạt 3,87%.
"Nhìn chung, NIM của hầu hết các ngân hàng đều giảm trong năm 2024. Năm 2025, giả định nhu cầu tín dụng cao hơn dẫn đến lãi suất cho vay cao hơn sẽ giúp phục hồi NIM của các ngân hàng”, các chuyên gia của MBS nhận định.
Còn báo cáo của FiinGroup cho thấy, lợi nhuận sau thuế của toàn ngành ngân hàng quý II/2024 tăng khiêm tốn so với quý I (chỉ tăng 6%). Thu nhập lãi thuần tăng thấp (tăng 6% so với quý trước) trong bối cảnh tín dụng tăng chậm và tỷ lệ NIM của 27 ngân hàng niêm yết ở mức 3,43% trong quý II/2024, duy trì ở vùng đáy quý thứ 4 liên tiếp.
“Nợ xấu tăng, NIM giảm đi khiến việc trích lập dự phòng rủi ro tại nhiều ngân hàng ở mức vừa phải (nhờ việc gia hạn Thông tư 02). Khi bộ đệm dự phòng tiếp tục mỏng đi, hạn chế khả năng xử lý nợ trong thời gian tới”, một chuyên gia nhận xét.
Theo FiinGroup, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) giảm về 81,5% trong quý II/2024, mức thấp nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và cách khá xa so với mức đỉnh (143,2%) trong quý III/2022. Tỷ lệ tạo mới nợ xấu là 0,16% trong quý II/2024, tăng quý thứ 2 liên tiếp.
Trong bối cảnh đó, ông Lê Hoàng Quân, chuyên gia Nhóm nghiên cứu Saigon Ratings, cho rằng Thông tư 02 có hiệu lực từ tháng 4/2023 và tiếp tục được gia hạn đến 31/12/2024 đã có đóng góp tích cực, giúp nền kinh tế trong nước giai đoạn vừa qua có thêm động lực để tiếp tục phục hồi cả từ phía cung (các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh) cũng như từ phía cầu (người tiêu dùng).
Tuy nhiên, theo ông Quân, thời hạn mới của Thông tư 02 là vẫn chưa đủ dài để giúp doanh nghiệp cũng như người dân trong nước thực sự phục hồi năng lực sản xuất kinh doanh cũng như khả năng chi tiêu.
Huyền Anh