Theo thống kê, đến nay, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 69 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Dòng vốn đầu tư của Nhật Bản đã hiện diện tại 57/63 địa phương trong cả nước, tập trung nhiều nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ ba về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với gần 2 tỷ USD. Nếu như từ năm 2016-2022, "cuộc chơi" M&A chủ yếu là các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Thái Lan và Hàn Quốc thì từ năm 2023 đến nay, một đợt sóng M&A mới đang hình thành do các nhà đầu tư Nhật Bản dẫn dắt.
Mới đây nhất, thương vụ M&A của Mitsui và Tasco Auto được dự đoán sẽ là một trong những “bom tấn” M&A của năm nay. Nhiều nhà quan sát, giới đầu tư đang quan tâm đến việc Mitsui & Co đầu tư chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Tasco Auto - một đơn vị thành viên của Tasco. Tuy giá trị thương vụ này chưa được tiết lộ nhưng được kỳ vọng tạo cú hích lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và vận chuyển.
Thương vụ M&A của Misui và Tasco Auto được dự đoán là "bom tấn" trong năm nay. |
Tháng 3/2024, theo Nikkei Asia, Mitsui cũng tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 84 tỷ yên (560 triệu USD) cho chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn tại Việt Nam. Trước đó, Mitsui công bố đầu tư vào nền tảng số cho giải pháp xây dựng nhà ở tại Việt Nam, thị trường vốn được định giá lên đến 30 tỷ USD. “Ông lớn” này cũng đang có động thái rót vốn gián tiếp vào nhiều lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam.
Vào tháng trước, Công ty cổ phần Đầu tư TT Capital cùng hai đối tác đến từ Nhật Bản là Cosmos Initia (thành viên của Daiwa House Group) và Koterasu hợp tác phát triển dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền tại Bình Dương đó là dự án TT AVIO. Liên doanh này tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 150 triệu USD trong 5 năm tới.
Cũng vừa mới đây, tập đoàn đa ngành hàng đầu Nhật Bản - AEON kết hợp với Beta Media Việt Nam đã chính thức công bố thành lập liên doanh. Theo kế hoạch, hai bên sẽ đầu tư 50 cụm rạp chiếu phim cao cấp với nguồn vốn lên đến 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn sản xuất và phát hành phim với thương hiệu Aeon Beta.
Thời điểm tháng 10/2023 cũng diễn ra một thương vụ M&A “bom tấn” khi Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thông báo hoàn tất thương vụ mua lại 1,19 tỷ cổ phiếu của Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) với giá trị lên tới gần 1,5 tỷ USD. Sau đó 2 tháng Tập đoàn Nhật Bản Sojitz thông qua Sojitz Asia Pte.Ltd. và Công ty TNHH Sojitz Việt Nam mua lại toàn bộ công ty phân phối thực phẩm lớn nhất Việt Nam là Công ty cổ phần Đại Tân Việt (New Viet Dairy). Sojitz cũng đầu tư vào Vinamilk (500 triệu USD), chuỗi cửa hàng Ministop của Aeon Mall.
Bên cạnh TP HCM, Hà Nội, nhiều địa phương cũng nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư Nhật Bản. Tỉnh Hưng Yên có 176 dự án từ nhà đầu tư Nhật Bản, với vốn đăng ký là 3,8 tỷ USD, chiếm 50,98% tổng vốn đăng ký. Nhật Bản cũng là quốc gia có số lượng nhà đầu tư đứng thứ hai tại tỉnh Hà Nam với 107 dự án (chiếm gần 30% số dự án FDI tại Hà Nam) với tổng số vốn đăng ký hơn 1,3 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để hợp tác với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về chuyển giao công nghệ. Cụ thể, doanh nghiệp Nhật Bản có năng lực tốt, nhiều kinh nghiệm và công nghệ cao trong khi doanh nghiệp Việt Nam có nguồn nhân lực, lao động dồi dào, có thể bổ sung cho nhau trong quá trình hợp tác cùng phát triển.
Ông Đào Tiến Phong, Giám đốc điều hành hãng luật Investpush nhận định, bên cạnh các nhà đầu tư Nhật Bản, hiện nay, nhiều nhà đầu tư thuộc các nước như Singapore, Mỹ và Trung Quốc cũng đang rất quan tâm đến việc góp vốn hoặc M&A với các doanh nghiệp Việt tiềm năng. Để không mất thời gian trong việc xây dựng nhà máy sản xuất và đáp ứng các điều kiện về môi trường và phòng cháy chữa cháy, nhiều nhà đầu tư ưa thích hoạt động M&A hơn đầu tư trực tiếp.
Anh Đức