Theo đánh giá của giới chuyên gia, tuy không được chia cổ tức bằng tiền mặt nhưng cổ đông những nhà băng này năm nay sẽ bớt gay gắt hơn bởi giá cổ phiếu đã tăng lên khá cao trong một năm vừa qua và vẫn đang được đánh giá khả quan. Thậm chí, nhiều cổ đông mong chờ nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Hiếm hoi cổ tức tiền mặt
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, bức tranh cổ tức ngân hàng năm nay nhìn chung khá tươi sáng, song "mỗi nhà một cảnh", không phải 100% đều chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
"Những ngân hàng đang có nhu cầu cấp bách về tăng vốn, dự kiến sẽ giữ lại lợi nhuận để bù đắp vào phần thiếu hụt này, còn một số ngân hàng đã tìm được "đầu vào" tăng vốn sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt", vị này cho hay.
Là một trong những ngân hàng "nổ tiếng súng" đầu tiên trong mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2019, NamABank đã thông qua cổ đông phương án chia lợi nhuận. Theo đó, nhà băng này quyết định chia cổ tức năm 2018 lên đến 16% bằng cổ phiếu.
Trong khi đó, tại ĐHCĐ 2019 được tổ chức ngày 28/3 vừa qua, cổ đông VIB đón tin vui khi được chi trả cổ tức bằng tiền mặt và chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ lên tới 26,5%, gồm 5,5% cổ tức bằng tiền mặt, 18% bằng cổ phiếu thưởng và 3% cổ phiếu quỹ.
Dù chưa tổ chức ĐHCĐ, nhưng một số ngân hàng hé lộ thông tin giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Chẳng hạn, VPBank đã phát hành phiếu lấy ý kiến cổ đông về việc thông qua báo cáo tài chính 2018 hợp nhất và riêng lẻ đã được kiểm toán bởi E&Y Việt Nam và phương án phân phối lợi nhuận năm 2018.
Trong đó, VPBank cho biết năm 2018, tổng số lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích các quỹ là 3.431 tỷ đồng, sẽ được giữ lại toàn bộ nhằm mục đích bổ sung vốn cho hoạt động của ngân hàng.
Một số ngân hàng có vốn nhà nước là BIDV, VietinBank và Vietcombank cũng tha thiết xin Bộ Tài chính được giữ lại lợi nhuận năm 2018 để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu, do thiếu vốn đã trở nên cấp bách.
Theo phân tích của các chuyên gia tài chính – ngân hàng, trong năm 2018, lợi nhuận của các nhà băng tuy có cải thiện nhưng áp lực tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel II vẫn còn rất lớn, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ từ 3.000 – 5.000 tỷ đồng.
Nhiều nhà băng đã đụng trần và bắt buộc phải tăng vốn trong năm nay, nếu không thì mục tiêu kinh doanh sẽ bị giảm. Trong khi đó, vài năm gần đây, một số ngân hàng dù đã đưa ra nhiều phương án tăng vốn nhưng không có phương án nào đạt kết quả.
Lợi nhuận của năm 2018 được dự kiến là khoản "bù đắp" các kế hoạch tăng vốn chưa thực hiện được, nên khó kỳ vọng ngân hàng chia cổ tức tiền mặt.
Dự báo các ngân hàng sẽ rầm rộ phát hành cổ phần để tăng vốn |
Tăng vốn bằng cổ phần
Trong năm 2018, nhiều ngân hàng đã đạt được mục tiêu tăng vốn khi giữ lại cổ tức và phát hành cổ phần. Cụ thể, Techcombank chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 1:2 trong quý III/2018, giúp tăng vốn điều lệ gấp ba lần, lên 34.956 tỷ đồng.
Tương tự, MB đã tăng vốn thành công khi chia cổ tức bằng cổ phiếu. Cụ thể, MB tăng thêm 3.450 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên gần 21.605 tỷ đồng nhờ vào đợt phát hành riêng lẻ 345 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức đợt 2 năm 2017 tỷ lệ 5% và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14%.
Vì vậy, tại mùa ĐHCĐ năm nay, dự báo các ngân hàng sẽ rầm rộ phát hành cổ phần để tăng vốn. Đơn cử như VIB đã thông qua cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ lên tối đa 10.908 tỷ đồng trong năm 2019, tức tăng thêm 3.074 tỷ đồng so với hiện tại.
Trong đó, sẽ tăng thêm tối đa 1.410 tỷ đồng tương đương 18% vốn điều lệ trước khi tăng qua việc chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu; còn 1.664 tỷ đồng, tương đương 18% vốn điều lệ trước khi chào bán và sau khi tăng vốn từ chia cổ phiếu thưởng tăng thêm sẽ thực hiện qua phát hành chào bán riêng lẻ.
Tuy vậy, việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu không còn làm cho cổ đông cảm thấy "khó chịu" như những năm trước, do giá cổ phiếu đã tăng lên khá cao trong một năm vừa qua và vẫn đang được đánh giá khả quan.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược công ty chứng khoán PSI, cho biết ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019, dòng tiền lớn đã ào ạt đổ vào các cổ phiếu lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn như VCB, CTG, ACB…
"Với việc dự báo Vn- Index có thể quay lại mốc 1.100-1.200 điểm, thậm chí có thể vượt qua ngưỡng này, nhóm ngành ngân hàng cùng nhiều nhóm ngành khác có thể sẽ bứt phá. Tôi đánh giá nhóm ngành ngân hàng có triển vọng tích cực ở thời điểm hiện tại cũng như cả năm 2019. Giai đoạn 2019 là giai đoạn hồi phục và tăng điểm của nhóm cổ phiếu ngân hàng", ông Khánh dự báo.
Huyền Anh