Năm 2019, thị trường trái phiếu tiếp tục có một năm tăng trưởng mạnh về quy mô, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tỷ trọng thị trường trái phiếu tính trên GDP tăng từ mức 36,3% (2018) lên khoảng 37,4%, trong đó tỷ trọng của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) giảm nhẹ do lượng phát hành ròng (phát hành mới - đáo hạn) thu hẹp. Ngược lại, tỷ trọng thị trường TPDN từ 9,01% GDP lên khoảng 10,47% GDP. Cùng với đó, quy mô thị trường cổ phiếu tăng lên 75% GDP.
Thời báo Kinh Doanh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán SSI (SSI), về xu hướng thị trường vốn trong năm 2020.
Ông đánh giá như thế nào về sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu và cổ phiếu trong năm 2020 và sẽ có tác động ra sao đến thị trường vốn của Việt Nam?
-Năm 2020, thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục sôi động ở cả phân khúc TPCP lẫn TPDN. Khối lượng TPCP đáo hạn lớn cùng với triển vọng đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ gia tăng lượng phát hành TPCP.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán SSI |
Với TPDN, sự sôi động sẽ còn nhìn thấy rõ hơn khi đồng loạt các thành viên thị trường, cơ quan quản lý cùng các DN tích cực phát triển thị trường. Sức hút của TPDN sẽ tiếp tục gia tăng, trong đó nòng cốt sẽ là các trung gian phân phối là các ngân hàng và công ty chứng khoán.
Đối với thị trường cổ phiếu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng nhanh và ngày càng chú trọng hơn vào chất lượng tăng trưởng, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận với các DN vẫn tốt, nhất là khi chủ trương giảm lãi suất được hiện thực hóa, dòng vốn đầu tư nước ngoài tích cực với sự tham gia của nhiều hơn các quỹ ETF, hệ thống công nghệ mới của thị trường chứng khoán (TTCK) dự kiến sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2020 góp phần gia tăng thanh khoản, làm cơ sở phát triển thị trường trong dài hạn.
Tóm lại, thị trường trái phiếu và cổ phiếu phát triển là định hướng phù hợp và cũng là tất yếu để phát triển thị trường vốn một cách bền vững.
Thị trường vốn tại Việt Nam vẫn luôn được nhận định là đang dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng. Theo ông, điều này sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế? Làm thế nào để lập lại thế cân bằng?
-Hiện tại, kênh tín dụng ngân hàng vẫn là kênh chủ lực, đáp ứng tới hơn 80% lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế, dư nợ tín dụng năm 2019 ước khoảng 138% GDP tạo ra những rủi ro nhất định đối với hệ thống tài chính và nguy cơ bong bóng tài sản do DN chịu áp lực trả nợ ngắn hạn là quá nhạy cảm với diễn biến lãi suất.
Từ năm 2018 trở lại đây, tăng trưởng tín dụng đã giảm khá mạnh về quanh 14%/ năm thay vì trên 18% như các năm trước đó, cùng với các nỗ lực phát triển thị trường vốn, cơ quan quản lý cũng tăng cường quản lý và nắn dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, giảm cung tín dụng với các kênh rủi ro cao dễ tạo ra bong bóng tài sản (giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tăng hệ số rủi ro với cho vay tiêu dùng/ bất động sản…).
Về dài hạn, để giảm phụ thuộc vào kênh tín dụng thì các kênh huy động vốn khác, đặc biệt là kênh thị trường cổ phiếu/trái phiếu phải phát triển. Nền tảng về thể chế, khung pháp lý về thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, thị trường vốn cho DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa cần phải định hình và đầy đủ hơn nữa để không chỉ theo kịp mà còn dẫn dắt sự phát triển của thị trường vốn.
Việc phát triển thị trường vốn tại Việt Nam cần những thay đổi như thế nào về khuôn khổ pháp lý, thưa ông?
-Với thị trường trái phiếu, cần đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về công bố thông tin, bao gồm chế tài về công bố thông tin, phân định rạch ròi thị trường sơ cấp và thứ cấp, các điều kiện để bán lại trái phiếu sơ cấp trên thị trường thứ cấp phi tập trung. Các cơ quan quản lý cần sớm hình thành thị trường thứ cấp tập trung tất cả các DN phát hành trái phiếu để hình thành đầu mối quản lý và tham chiếu thông tin về đơn vị phát hành cũng như đơn vị phân phối.
Với thị trường cổ phiếu, cần các quy định nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường như các quy định chặt chẽ hơn về quản trị DN, bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ, nâng cao các chế tài về thao túng giá cổ phiếu, giao dịch nội gián.
Với thị trường vốn cho startup, DN nhỏ và vừa, do chưa có quy định và chưa hình thành thị trường vốn cho đối tượng này nên các cơ quan quản lý cần sớm định hình khung pháp lý cho mô hình tổ chức huy động vốn cộng đồng. Mô hình này đã được nhiều nước áp dụng và huy động vốn rất thành công cho startup như Thái Lan...
Huyền Anh (ghi)