Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 10, các doanh nghiệp (DN) huy động được thêm gần 17.000 tỷ đồng từ hoạt động phát hành trái phiếu, tiếp tục ghi nhận sự nhộn nhịp của thị trường dù lượng phát hành đã giảm so với tháng 9.
Tổng cộng có 132 đợt đăng ký phát hành trái phiếu DN nhưng số lượng thực tế phát hành là 120 với 34 DN. Lũy kế 10 tháng đầu năm có 176 DN phát hành 617 đợt, thu về 202.215 tỷ đồng.
Bất động sản vươn lên
Dù lượng phát hành trái phiếu vẫn tăng mạnh trong tháng 10 nhưng chủ thể phát hành nhiều đã không phải là các ngân hàng thương mại mà thuộc về các công ty bất động sản (BĐS) với 9.349 tỷ đồng trái phiếu được phát hành, chiếm 55% tổng quy mô phát hành.
Theo đó, có thể kể đến đợt phát hành của công ty TNHH Vinametric – chủ sở hữu của khách sạn Saigon Prince Hotel với tổng giá trị phát hành 3.705 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm, lãi suất thả nổi (kỳ đầu 10,5%/năm, các kỳ sau bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ 3,65%/năm).
Tiếp đến là CTCP BĐS Sàn Gòn Vina (Land Saigon) phát hành 1.850 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 11%/năm.
Ngoài ra, còn có các DN khác như TNR Holdings, Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung, Trường Thịnh, Sơn Kim, Phúc Lộc, BĐS Thuận Phát, Nova Song Giang…
Không chỉ ghi dấu ấn bằng khối lượng phát hành, các công ty BĐS cũng chấp nhận huy động vốn với lãi suất ngày càng cao. Trong tháng 10, lãi suất phát hành bình quân của nhóm BĐS là 10,23%, cao hơn nhiều so với mức 9,6% của tháng 9.
Trong khi đó, nhóm các ngân hàng thương mại chỉ phát hành thêm 2.781 tỷ đồng trái phiếu, trong đó có 1.000 tỷ đồng phát hành dưới hình thức chào bán ra công chúng của VietinBank, còn lại là các lô phát hành riêng lẻ của ABBank, SeABank, SHB, BacA Bank, HDBank, MB.
Lượng phát hành này thấp hơn nhiều so với các tháng trước đó mà cao điểm là trong tháng 9/2019; lãi suất trái phiếu ngân hàng bình quân trong tháng 10 tăng lên 7,6% do gần 60% lượng phát hành là các kỳ hạn từ 5 –10 năm.
Đáng chú ý, không thuộc nhóm BĐS nhưng trong tháng 10, CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng phát hành lô hơn 1.400 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm với mức lãi suất lên tới 20%/năm.
Đây là mức kỷ lục mới về lãi suất phát hành trái phiếu DN trong thời gian qua, thậm chí bỏ xa những thương vụ phát hành trái phiếu khác, điển hình như con số 14,5% của công ty BĐS Phát Đạt.
Bên cạnh đó, một khoản huy động đáng kể khác là công ty tài chính Shinhan Việt Nam phát hành hơn 1.400 tỷ đồng với kỳ hạn 1 năm.
Về cơ cấu nhà đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài mua khoảng 7,6% tổng lượng phát hành, còn lại là các nhà đầu tư trong nước, nhưng nhiều lô phát hành không có thông tin cụ thể. Các công ty chứng khoán là bên mua lớn nhất, sau đó là các ngân hàng thương mại.
Chuyển đổi cơ cấu trái chủ
Có một điểm mới trên thị trường trái phiếu DN thời gian gần đây là các trái chủ đang dần hướng về khách hàng cá nhân. Có thể lấy ví dụ trường hợp của Novaland: nhiều môi giới đã chào bán gói đầu tư trái phiếu, đổi lại là quyền lợi mua dự án với giá ưu đãi và nhiều điều kiện hấp dẫn khác.
Một điển hình khác là Techcombank cũng tích cực “gom” trái phiếu DN rồi phân phối lại cho các nhà đầu tư cá nhân.
Thực tế, đã có nhiều cảnh báo rủi ro được đưa ra cho các đối tượng trái chủ nói chung và các nhà đầu tư cá nhân nói riêng kể từ khi thị trường trái phiếu DN bùng nổ hồi đầu năm, không chỉ riêng lĩnh vực BĐS mà còn lan rộng sang các ngành nghề khác nhau.
Tuy nhiên, rủi ro được đặc biệt nhấn mạnh vào nhóm BĐS bởi sự chông chênh về đặc thù kinh doanh, cũng như kết quả kinh doanh không rõ ràng.
Điển hình như, tại báo cáo tài chính quý III/2019 của Land Saigon, DN ghi nhận khoản lỗ 14,2 tỷ đồng, hệ số nợ trên tổng tài sản lên tới 69%, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm nên việc phát hành thêm lượng lớn trái phiếu là khá rủi ro.
Các chuyên gia kinh tế đều đánh giá thị trường trái phiếu của Việt Nam hiện nay chưa phát triển và là một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, cần được khuyến khích, mà để tăng trưởng tốt hơn thì cần nhờ tới dòng vốn đầu tư của các cá nhân và tổ chức.
Tuy nhiên, cơ chế như hiện tại vẫn còn nhiều kẽ hở, không ai bảo vệ được cho các trái chủ khi có quá nhiều điều khoản “cài cắm” có lợi cho DN phát hành.
Các chủ thể phát hành cũng gặp những rủi ro như việc phát hành lãi suất quá cao trong khi tỷ suất sinh lời từ việc sử dụng nguồn vốn không như kỳ vọng. Theo tính toán của một chuyên gia, nếu phát hành trái phiếu với lãi suất phổ biến 12- 14,5%/năm thì tỷ suất sinh lời phải đạt trên 20% – một tỷ lệ không dễ đạt được trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay.
Linh Đan