Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058 về xử lý nợ xấu |
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết kết quả cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự chung sức, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị.
Theo ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31/8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.Tính trung bình từ 15/8/2017 - 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện một bước quan trọng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Đánh giá về kết quả này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng kết quả xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết 42 đi vào thực tiễn đã đóng góp tích cực vào xử lý nợ xấu và tái cơ cấu TCTD và hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp.
"Mục tiêu xử lý nợ xấu xuống mức 3% có thể đạt được. Đây là sự nỗ lực lớn của ngành ngân hàng và sự chia sẻ, hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các cơ quan Quốc hội và một số ngành như toà án, kiểm sát, cùng với các địa phương đã vào cuộc với ngân hàng để quyết liệt xử lý nợ xấu", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 42,Quyết định 1058 và Quyết định 986, tạo nền tảng cho sự phát triển của ngành ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tiền tệ, ngân hàng; Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án đã được phê duyệt; Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tham mưu xử lý về vấn đề tăng vốn của các ngân hàng có vốn nhà nước và cổ phần hóa Agribank.
Bên cạnh đó, tập trung xử lý phương án cơ cấu lại một số ngân hàng mua bắt buộc, chỉ đạo các TCTD rà soát việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định.
Ngoài ra, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai Chuẩn mực an toàn theo thông lệ quốc tế (Basel II) tại Việt Nam.
Đồng tình với những mục tiêu đặt ra trong thời gian tới của ngành ngân hàng, tuy nhiên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần đặt việc Quyết định 1058 và Nghị quyết 42 trong tổng thể chiến lược ngành ngân hàng đến năm 2025; Kiên trì thực hiện theo nguyên tắc thị trương và chia sẻ rủi ro theo quy định pháp luật; Cần thượng tôn pháp luật, có những chính sách đặc thù để xử lý nợ xấu; phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quá trình xử lý nợ xấu.
Thanh Hoa