Tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/ QĐ-TTg do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 28/8, nhiều ngân hàng đánh giá cao hiệu quả Nghị quyết 42 trong việc xử lý nợ xấu và mong hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và ngân hàng trong việc thu giữ tài sản đảm bảo.
Chuyển biến tích cực
Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN), cho biết Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2017. Đến nay, sau một năm áp dụng, năng lực tài chính của các TCTD đã được cải thiện với việc vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm.
Cụ thể, tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519.000 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720.430 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.
Đến hết tháng 6/2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 138.290 tỷ đồng nợ xấu, tương đương gần 440 tỷ đồng mỗi ngày (không bao gồm 61.040 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70.230 tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21.590 tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46.460 tỷ đồng (33,59%).
Trong thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã có những đánh giá rất tích cực đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần quan trọng củng cố và nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Mới đây, 12 ngân hàng Việt Nam đã được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s nâng mức xếp hạng tín nhiệm.
Theo ông Du, việc xử lý nợ xấu bước đầu đã có những kết quả khả quan, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao.
Tính đến thời điểm tháng 6/2018, tỷ lệ nợ xấu so với tổng nợ giảm còn 2,09%, thấp hơn so với cuối năm 2016 (2,46%), nhưng lại cao hơn so với cuối năm 2017 (1,99%).
Ngoài ra, ông Du còn thông tin thêm, tổng nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ đang tiềm ẩn trở thành nợ xấu tuy đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao, hiện đang ở mức 468.000 tỷ đồng, so với tổng cho vay đầu tư vào nền kinh tế chiếm khoảng 6,67%.
Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết quá trình thực hiện phát sinh những khó khăn, vướng mắc như chưa có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp khiến mua bán nợ xấu chưa sôi động, chưa có nhiều thương vụ lớn.
Đến hết tháng 6/2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 138.290 tỷ đồng nợ xấu, tương đương gần 440 tỷ đồng mỗi ngày |
Vì sao tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng?
Vướng mắc còn ở việc thực hiện nội dung liên quan đến việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ; vấn đề liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nghĩa vụ nộp thuế có ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục sang tên cho người mua; công tác giữ gìn, bảo đảm an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.
Liên quan đến vấn đề khó khăn khi thực hiện Nghị quyết 42, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐQT VAMC, cho biết có một số quy định pháp lý cần điều chỉnh.
Đơn cử, trong Nghị quyết 42 quy định khách hàng tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm và trong hợp đồng đảm bảo hầu hết đều quy định các khách hàng sẽ bàn giao tài sản bảo đảm nếu không trả được nợ, nhưng lại không quy định đồng ý cho TCTD được thu giữ. Đây là vướng mắc trong qúa trình thực hiện.
“Bên cạnh đó, Điều 8 Nghị quyết 42 quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý tài sản bảo đảm, nhưng thực tế qua theo dõi hơn 2.000 vụ việc tại các tòa án chưa có vụ nào được xử theo hình thức này. Đây là một bất cập trong quá trình thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42”, ông Đông cho biết thêm.
Để tháo gỡ các vướng mắc, đại diện VAMC đề xuất VAMC cần có thêm nguồn lực về vốn và nhân lực.
“Trong năm 2017, VAMC đã thực hiện mua 3.200 tỷ đồng nợ xấu. Năm 2018, dự kiến sẽ mua khoảng 3.500 tỷ đồng nợ xấu, nhưng đến nay, các TCTD đăng ký bán nợ cho VAMC là khoảng 20.000 tỷ đồng, như vậy với vốn điều lệ hiện có của VAMC là 2.000 tỷ đồng rất khó để mua được các khoản nợ này”, Chủ tịch VAMC nhấn mạnh.
Ngoài ra, VAMC cho rằng cần sự chung sức, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để đẩy lùi nợ xấu một cách hiệu quả.
Thanh Hoa