Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2022, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 14%, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh và chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Theo đó, cùng với tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh mảng kinh doanh dịch vụ.
Hy vọng tích cực
Mặc dù chưa hết tháng 3 nhưng một số ngân hàng đã dự báo lãi lớn quý I. Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) diễn ra ngày 16/3 vừa qua, ông Hồ Vân Long, Phó Tổng giám đốc VIB cho biết, lãi quý I của ngân hàng ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 24-25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm, với tăng trưởng tín dụng trên 5%.
Dự báo lợi nhuận quý I của các ngân hàng sẽ tiếp tục khởi sắc. |
Tại Hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư chiều ngày 15/3, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB cũng tiết lộ lợi nhuận hợp nhất quý I của ngân hàng đạt khoảng 5.500 tỷ đồng; và con số thực hiện trong 2 tháng đầu năm đã bám sát mục tiêu này.
Theo các chuyên gia, động lực tăng trưởng của ngân hàng đến từ biên lãi ròng (NIM) cải thiện (do lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay không giảm tương ứng) vẫn là yếu tố then chốt giúp các ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong quý I.
Nếu quy ra năm, công ty chứng khoán BSC cho rằng, NIM trong năm 2022 sẽ tăng 35 điểm cơ bản so với năm 2021 nhờ tăng trưởng tín dụng cao, lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ và tăng cơ cấu CASA trong năm 2022 giúp giảm chi phí vốn.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của NHNN được thực hiện vào tháng cuối năm ngoái, các tổ chức tín dụng ước tính, tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 5,3% trong quý I/2022 và dự báo tăng 14,1% cả năm nay. Mức tăng trưởng này tương đối sát với kế hoạch điều hành của Ngân hàng Nhà nước đưa ra hồi đầu năm.
Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm cũng giúp lợi nhuận ngân hàng khởi sắc trong quý I. Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước với lộ trình trích lập dự phòng kéo dài trong 3 năm và cho phép giữ nguyên nhóm nợ với nhiều khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã giúp các ngân hàng không gặp áp lực về chi phí trích lập này.
Mở rộng mảng bán chéo
Bên cạnh mảng tín dụng, hoạt động dịch vụ của ngân hàng được giới chuyên môn kỳ vọng sẽ là nhân tố mới, tiếp tục tăng trưởng tốt và đóng góp doanh thu ngân hàng thời gian tới.
Làn sóng ngân hàng “bắt tay” với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm gia tăng thêm các sản phẩm bán chéo sôi động trở lại.
Đầu năm nay VPBank gây chú ý trên thị trường khi quay trở lại lĩnh vực chứng khoán thông qua việc mua lại hơn 97% cổ phần tại công ty cổ phần Chứng khoán ASC và đổi tên thành công ty Chứng khoán VPBank (VPBank Securities).
Trước đó, lãnh đạo nhà băng này từng bày tỏ tham vọng phát triển các mảng kinh doanh mang lại lợi ích tài chính và duy trì khả năng sinh lời cao, bao gồm kinh doanh chứng khoán.
Ngày 9/3 vừa qua, ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ký thỏa thuận hợp tác đồng thời với công ty cổ phần quản lý quỹ Tân Việt (TVFM) trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ sản phẩm, trên nguyên tắc cam kết ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau, đảm bảo cạnh tranh hiệu quả về chất lượng và chi phí.
Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng xác nhận quan hệ hợp tác chiến lược cùng công ty cổ phần quản lý quỹ VinaCapital trong việc kết nối các nhà đầu tư cá nhân với sản phẩm chứng chỉ quỹ của VinaCapital. Bước đầu, sự hợp tác này hướng đến hỗ trợ các khách hàng HSBC Premier, mở ra nhiều cơ hội cho khách hàng của HSBC tiếp cận các sản phẩm đầu tư.
Theo ông Pramoth Rajendran, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ quản lý tài sản và tài chính cá nhân, HSBC Việt Nam, đây là thời điểm tốt để HSBC Việt Nam giới thiệu các sản phẩm quản lý tài sản, khi nhu cầu của những khách hàng có điều kiện ngày càng cao.
Trong tháng 2/2022, công ty cổ phần chứng khoán SSI cũng phát đi thông báo ký thành công hợp đồng vay vốn hạn mức 10.000 tỷ đồng, tương đương hơn 440 triệu USD với ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Hà Nội.
Đây là hợp đồng hạn mức tín dụng có giá trị lớn nhất của SSI đến thời điểm hiện tại với một ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam, hứa hẹn mở ra hướng hợp tác toàn diện hơn trong tương lai giữa hai định chế tài chính hàng đầu trong nước.
Theo các chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán đang ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến Nga – Ukraine và những lo ngại xung quanh vấn đề lạm phát leo thang. Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được dự báo có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ sự ổn định vĩ mô, các gói kích thích kinh tế và kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường ngày càng đông, trở thành kênh đầu tư mới của nhiều người. Điều này sẽ giúp các ngân hàng đang có kế hoạch đẩy mạnh, mở rộng nghiệp vụ đầu tư sẽ có thể khai thác thêm nguồn thu nhập ngoài lãi đáng kể trong thời gian tới.
Huyền Anh