Triển vọng tăng trưởng GDP năm nay đạt 6-7%, độ phủ vắc xin ngày càng cao, xuất khẩu tăng trưởng tích cực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sắp cấp room tín dụng, gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng cùng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sắp được triển khai… đang là những thông tin tích cực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2022.
Tự tin về triển vọng năm 2022
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) tỏ ra lạc quan khi duy trì quan điểm tích cực đối với ngành ngân hàng Việt Nam. Ngoài động lực tăng trưởng tín dụng mạnh hơn do cầu tín dụng lớn hậu đại dịch, thu nhập từ phí của ngân hàng năm 2022 dự kiến tăng mạnh 30%-40%, trong khi NIM duy trì được ổn định.
Theo đó, các ngân hàng sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận trung bình 25% trong năm 2022, trong đó 6 tháng cuối năm sẽ là giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ khi việc trích lập dự phòng có thể giảm bớt nhờ môi trường hoạt động được cải thiện.
Nhiều nhà băng đang đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20-30% trong năm nay. |
Tương tự, SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình của các ngân hàng năm 2022 là 21% so với năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 13% của 96 công ty trong phạm vi nghiên cứu của SSI. Ước tính này không bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí phân phối bảo hiểm độc quyền qua ngân hàng (bancassurance) hoặc thoái vốn công ty con của VietinBank, HDBank, Techcombank, MB...
"Các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước ước tính tăng trưởng lợi nhuận ở mức 19%, trong khi các ngân hàng TMCP khác có thể đạt mức tăng trưởng tới 22% so với năm 2021 do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn. Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận sẽ ở mức khiêm tốn và chỉ thật sự bứt phá mạnh hơn từ quý II với VietinBank, Vietcombank, MB và từ quý III với các ngân hàng khác", SSI Research nhận định.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ năm 2022, dù biến chủng mới Omicron vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng các quốc gia vẫn không phong tỏa. Điều này cho thấy các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn có cơ hội trong năm mới. Trong khi đó, năm 2022, Chính phủ có kế hoạch tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, kích thích cho khu vực kinh tế tư nhân, sức mua sẽ tăng trở lại và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ phát triển.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho rằng, triển vọng kinh doanh của các ngân hàng cũng có sự phân hóa rõ rệt do mức độ cạnh tranh trong ngành dự báo tăng lên. Nhóm ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao và có mô hình hoạt động năng động sẽ tiếp tục được cấp mức “room” tín dụng cao hơn trung bình ngành.
Mảng bán lẻ giúp ngân hàng sống khỏe
Theo giới phân tích và các ngân hàng, trong bối cảnh chuyển biến tích cực của nền kinh tế, mảng bán lẻ hứa hẹn sẽ tiếp tục bứt phá, trở thành động lực tăng trưởng chính của các nhà băng trong năm nay.
Tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích và nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, trong năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng khoảng 33%.
“Để đạt được con số này, MSB đẩy mạnh mảng tín dụng tập trung vào bán lẻ và SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa), ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy các mảng hoạt động thu phí, đẩy mạnh số hóa các dịch vụ của ngân hàng để góp phần tăng trưởng mạnh CASA, giảm chi phí vốn và giảm CIR”, ông Linh chia sẻ.
Còn lãnh đạo VPBank cho biết, mảng bán lẻ và vay tiêu dùng tăng tốc trở lại trong quý IV đóng góp nhiều hơn vào kết quả kinh doanh năm 2021, cùng với chiến lược chuyển đổi số hiệu quả sẽ giúp ngân hàng tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2022 cũng như những năm tới. Theo đó, ngân hàng này đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 5 năm tới có thể lên đến 30-35%.
Cũng lạc quan về lợi nhuận, tại buổi trao đổi đầu tiên trong năm 2022 với các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích chứng khoán mới đây, VIB cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong chặng đường tiếp theo với tăng trưởng kép về lợi nhuận đạt trên 30%/năm. VIB hướng đến vị trí dẫn đầu thị trường bán lẻ về chất lượng và quy mô trên nền tảng công nghệ, quản trị đã được xây dựng vững chắc trong thời gian qua.
Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, trong 5 năm qua, mảng ngân hàng bán lẻ của VIB đã tăng trưởng 30 lần về lợi nhuận. Năm 2022, VIB tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao mảng bán lẻ, trong đó đặt mục tiêu tiên phong về các sản phẩm cá nhân hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, hướng đến với phân khúc khách hàng trẻ (thế hệ Millenials và Gen Z) sẽ chiếm khoảng 85% danh mục khách hàng trong 5 năm nữa.
Huyền Anh