Trong bối cảnh đó, câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm là các ngân hàng sẽ ứng phó ra sao trong tình hình hiện nay, liệu các ngân hàng có điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận những tháng cuối năm?
Giao dịch online sẽ là "cứu cánh"
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho hay, đến thời điểm hiện tại, ngân hàng này chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận. Bởi, trong tháng 7 và tháng 8, ảnh hưởng của dịch bệnh là rất rõ ràng và có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng cả năm. Song, ngân hàng đã phần nào lường trước được những ảnh hưởng này.
Ước tính tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng nửa cuối năm khoảng 13%. |
Cũng phải nhắc lại, vào đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03 cho phép các tổ chức tín dụng không phải chuyển nhóm nợ sang nợ xấu, tuy nhiên phải trích lập dự phòng như chưa tái cơ cấu. "Ở đây, chỉ có một ân huệ đó là cho phép vẫn tính các khoản nợ xấu là nợ bình thường, còn ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng phần đó, để không ăn trước trả sau và đừng lạc quan quá về kế hoạch lợi nhuận", ông Hưng nói.
Thực tế, TPBank đã lường trước được vấn đề này. Trong kế hoạch kinh doanh đầu năm, ngân hàng đã ước con số phải trích lập bổ sung thêm khoảng vài trăm tỷ vào kế hoạch lợi nhuận.
"Do đó, sẽ không ảnh hưởng nhiều tới việc thực hiện kế hoạch lợi nhuận 6 tháng cuối năm", Tổng giám đốc TPBank khẳng định.
Lãnh đạo một số nhà băng cũng cho rằng, ngân hàng vẫn có nguồn để bù đắp vào phần trích lập dự phòng rủi ro và giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Chẳng hạn, trong thời điểm giãn cách xã hội như hiện nay, việc tiếp cận khách hàng, tiếp xúc tư vấn, làm dịch vụ.... sẽ gặp nhiều khó khăn. Song, các ngân hàng vẫn duy trì được các hoạt động như bình thường trên nền tảng online, đặc biệt là giao dịch trên nền tảng điện tử sẽ giúp giảm chi phí cho ngân hàng rất lớn.
Ví dụ, hiện nay 92% tổng giao dịch của TPBank thực hiện trên nền tảng số. Điều này tiết kiệm được rất nhiều, chi phí chỉ khoảng bằng 1/30 hoặc 1/50 so với chi phí truyền thống khi phải duy trì bằng con người.
Bên cạnh đó, các mảng dịch vụ khác như: bancassurance, trái phiếu, chứng khoán... vẫn hoạt động tăng trưởng tốt. "Những nghiệp vụ chính về sinh lời, kể cả trên những kênh đầu tư, các mạng dịch vụ trên thị trường tiền tệ, tỷ giá... vẫn có những cơ hội tốt", ông Hưng cho biết.
Tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm khoảng 13%
Đánh giá về kết quả kinh doanh của ngành này trong nửa đầu năm, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận phần lớn các ngân hàng tăng 50 - 70%. Nguyên nhân là do nửa đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát, lợi nhuận doanh nghiệp và ngân hàng đều bị ảnh hưởng, do đó nền dữ liệu so sánh sẽ thấp hơn. Mặt khác, lãi suất huy động giảm và ở mức thấp trong thời gian dài, điều này tạo thuận lợi cho ngành ngân hàng giảm chi phí huy động vốn.
Một nguyên nhân chủ quan cũng được Giám đốc SSI Research đưa ra là do khả năng quản trị rủi ro của ngân hàng đã tốt hơn trước, phương pháp quản trị hiệu quả hơn. Chi phí hoạt động thấp hơn và đã giảm liên tục 4 năm qua, chủ yếu liên quan đến bán lẻ.
"Các ngân hàng đang xây dựng các sản phẩm tài chính, bảo hiểm nhân thọ, thẻ thanh toán, giúp nguồn thu của ngân hàng đa dạng hơn", bà Phương phân tích thêm.
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Việt Phương, trong nửa cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ của các nhà băng sẽ chậm hơn so với nửa đầu năm do các yếu tố thuận lợi không nhiều như giai đoạn đầu năm.
“Chúng tôi ước tính lợi nhuận tăng trưởng nửa cuối năm toàn ngành khoảng 13%. Tuy nhiên, đến năm 2022, con số này sẽ nâng lên 21% - mức này vẫn cao hơn so với các công ty niêm yết được ước tính”, Chuyên gia của SSI Research nói.
Huyền Anh