Thống kê tăng trưởng lợi nhuận theo báo cáo tài chính quý I/2020 của 9 ngân hàng thương mại cổ phần |
Tính đến ngày 21/4 đã có 9 ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính quý I/2020: Vietcombank, Saigonbank, Kienlongbank, BacABank, Vietbank, SeABank, Sacombank, TPBank, VIB. Trong đó, hầu hết lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ, nợ xấu tăng cao. Đáng lưu ý, trong quý này, Sacombank đã rớt top lợi nhuận nghìn tỷ, còn SaigonBank tăng trưởng âm cả về huy động và cho vay.
Lợi nhuận sụt giảm mạnh
Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến thu nhập của ngành ngân hàng. Theo tính toán sơ bộ, thu nhập hoạt động của các tổ chức tín dụng năm 2020 dự báo sẽ giảm ít nhất là khoảng 30-34 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 20-25% kế hoạch lợi nhuận ban đầu.
Trong đó, những tác động trực tiếp từ việc giảm lãi, cơ cấu nợ, miễn giảm phí dịch vụ... khiến tổng thu nhập của các tổ chức tín dụng năm 2020 sẽ giảm từ 17.722 - 21.828 tỷ đồng; còn tác động gián tiếp có thể làm giảm khoảng 12.268 tỷ đồng. Cụ thể, giảm thu nhập từ lãi do tín dụng tăng trưởng thấp sẽ vào khoảng 5.532 tỷ đồng, còn việc tăng trích lập dự phòng có thể làm giảm thu nhập khoảng 6.736 tỷ đồng.
Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, có đến 5 trong số 9 ngân hàng giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2019 là: Saigonbank (-31%), Bac A Bank (-27%); Kienlongbank (-23%); Sacombank (-7%); Vietcombank (-11%).
Trong 4 ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tăng thì Vietbank và SeABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi, lần lượt là 230 tỷ đồng và 308,7 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 134% và 105%. Trong khi đó, lợi nhuận của VIB là 1.075 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ; TPBank đạt 1.009 tỷ đồng, tăng 18%. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối thì Vietcombank (5.223 tỷ đồng), VIB và TPBank đang dẫn đầu về lợi nhuận.
Một số chuyên gia cho biết, dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Tuy nhiên, đối với ngành ngân hàng, dự báo tác động có độ trễ và tiếp tục kéo dài trong 2 tháng tới.
Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 10/4, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng chỉ còn 0,8%, giảm 0,5% so với thời điểm hết quý I/2020 (tính đến ngày 31/3 đạt 1,3%).
Nợ xấu gia tăng
Khảo sát cũng cho thấy, nợ xấu ở các ngân hàng đang có xu hướng gia tăng do khách hàng gặp khó khăn và thực hiện cho vay ưu đãi hơn nhằm ứng cứu khách hàng.
Đến cuối quý I, tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đạt hơn 754.000 tỷ đồng, tăng gần 2,7% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - các khoản nợ quá hạn từ 10 đến dưới 90 ngày) tăng gần gấp đôi lên hơn 5.000 tỷ đồng. Nhà băng này đã phải trích lập chi phí dự phòng rủi ro tăng tới 42%, lên mức 2.152 tỷ đồng.
KienlongBank cũng có mức nợ xấu tăng cao ở mức 2.241 tỷ đồng, chiếm 6,62% tổng dư nợ tín dụng. Đáng lưu ý, nợ có khả năng mất vốn lên tới 2.127 tỷ đồng, chiếm 6,29% tổng dư nợ tín dụng và tăng gấp 8 lần so với thời điểm cuối năm 2019. Trong số dư nợ có khả năng mất vốn tại ngày 31/3/2020 bao gồm gần 1,9 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5.
Như vậy, so với cuối năm 2019 (nợ xấu là 342 tỷ đồng, chiếm 1,02% tổng dư nợ tín dụng), nợ xấu tại KienlongBank tăng 1.899 tỷ đồng, tương đương 5,55 lần.
Cùng chung số phận, nợ xấu nhóm 5 của BacABank cũng tăng mạnh. Kết thúc quý I/2020, tổng nợ xấu tăng 16% so với đầu năm, lên mức gần 580 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 85%, chiếm gần 33 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 27%, chiếm hơn 276 tỷ đồng. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của BacABank tăng từ 0,69% lên mức 0,79%.
Tương tự, tại Sacombank, cuối tháng 3, nợ xấu nội bảng ở mức 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cũng tăng từ 1,94% lên 1,97%.
Nợ xấu tại VietBank cũng tăng nhẹ (đầu kỳ là 539 tỷ đồng) lên mức 572 tỷ đồng, chiếm 1,36%. Cùng với đó, nhà băng này trích 29,8 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng nhẹ so với 23,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Còn SeABank, dù nợ xấu nội bảng tính đến ngày 31/3/2020 là 2.271 tỷ đồng, giảm hơn 8 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương giảm 0,4%. Trong khi đó, dư nợ cho vay lại giảm mạnh hơn (giảm 1,5%), nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 2,31% lên 2,34%.
Đáng lưu ý, bên cạnh các ngân hàng công bố đầy đủ con số nợ xấu thì VIB và Saigonbank không phân loại nợ theo các nhóm nợ trong báo cáo tài chính vừa công bố.
Không chỉ không thể hiện con số nợ xấu, Saigonbank còn là nhà băng duy nhất tính đến hiện tại tăng trưởng âm cả về huy động và cho vay. Cụ thể, tính đến 31/3/2020, tổng tài sản của Saigonbank đạt 20.308 tỷ đồng, giảm 2.500 tỷ so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng đạt gần 15.544 tỷ đồng, tăng trưởng âm gần 0,8% trong quý I/2020, trong khi tăng trưởng cho vay âm 2,3%.
Huyền Anh