Theo nhận định của các chuyên gia, trong một loạt các lãi suất điều hành vừa được điều chỉnh giảm, việc giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng được đánh giá là quan trọng nhất, có tác động trực tiếp đến thị trường.
Lãi suất tiết kiệm giảm “sốc”
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nhận định: "Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tiền gửi của các tổ chức tín dụng kỳ hạn dưới 6 tháng, mục tiêu để giảm nhanh, giảm ngay lãi suất trên thị trường, từ đó có cơ sở để các tổ chức tín dụng có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Đây là một tác động rất trực tiếp, kịp thời. Các mức lãi suất điều hành khác có tác dụng gián tiếp, hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng".
Theo khảo sát của VnBusiness, ngày 25/5, biểu lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 – 6 tháng của hàng loạt ngân hàng đã được điều chỉnh. Điển hình như TPBank, LPB, VietcapitalBank hay SeABank, lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn này giảm sâu về 4,5% – 4,8%/năm.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại các kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng có ngân hàng huy động ở mức 3,7%/năm. |
Thậm chí, ACB giảm mạnh lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1 tháng – 5 tháng từ 0,5 điểm % - 0,7 điểm %, xuống còn 3,9 - 4,3%/năm, lãi suất tiết kiệm 6 tháng còn 6,2%/năm và 12 tháng còn 6,6%/năm. Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại nhà băng này là 6,7%/năm tại các kỳ hạn từ 15 tháng – 36 tháng.
Đặc biệt, tại Eximbank, lãi suất tiết kiệm cho các khoản tiền gửi 1 tháng giảm sâu về 3,7%/năm và 3,8%/năm với kỳ hạn 2 tháng, tương ứng cách trần quy định 1,2 – 1,3%/năm.
Bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân của ACB cho biết: "Trong tháng 5, ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất huy động 2 lần. Ngày 25/5, ACB tiếp tục lần giảm lãi suất huy động thứ 3, giảm 0,5 - 0,7% trên biểu lãi suất công bố của ngân hàng".
Tại khối ngân hàng nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV hay Agribank), lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng sau điều chỉnh cũng chỉ còn dao động quanh mức 4,1% – 4,6%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất là 5,8%/năm.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất của khối ngân hàng này vẫn giữ nguyên ở mức 7,2%/năm, chỉ có BIDV đã điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm cao nhất về dưới 7% (cụ thể là 6,8%/năm với các kỳ hạn từ 12 tháng – 36 tháng).
Một số doanh nghiệp cho biết, họ đã được hưởng lợi ngay khi động thái giảm lãi suất điều hành 0,5% của Ngân hàng Nhà nước. Điển hình, Công ty Cổ phần Cơ khí Chính xác HBT Việt Nam vừa được ngân hàng thông báo sẽ được giảm thêm 0,5% lãi suất cho khoản vay ngắn hạn, bắt đầu từ tháng 6 tới. Đây đã là lần thứ 2, HBT Việt Nam được giảm lãi suất cho vay trong năm nay.
Lãi suất huy động đã liên tục giảm mạnh kể từ tháng 2 đến nay, đặc biết là sau các đợt giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước. Trong khoảng 4 tháng vừa qua, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm 0,6 – 2 điểm % ở tất cả các kỳ hạn.
Ông Dương Ngọc Hạnh, Giám đốc HBT Việt Nam, chia sẻ: "Chúng tôi được giảm từ 8,3% xuống 7,7%/năm cho kỳ hạn 5 tháng. Chúng tôi là những doanh nghiệp trẻ nên rất cần các nguồn vốn lưu động để đầu tư máy móc, tăng năng suất lao động, mua nguyên, vật liệu phục vụ khách hàng. Với số lượng vốn lớn, chúng tôi sẽ mua được nguyên vật liệu tốt với mức giá tốt hơn".
Kỳ vọng giảm lãi vay trong quý II
Các doanh nghiệp đang rất mong chờ mức giảm lãi suất huy động mạnh mẽ của các ngân hàng lần này sẽ có tác động lan tỏa tích cực, hướng tới việc giảm mạnh hơn nữa lãi suất cho vay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, động thái hạ lãi suất huy động của các ngân hàng mới chỉ là bước đầu, sau đó mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường giảm sâu tới đâu vẫn là câu hỏi mở.
Lý do là các ngân hàng cần độ trễ từ 3 - 4 tháng để có thời gian huy động đủ nhiều ở mức lãi suất thấp tại các kỳ hạn ngắn, nhằm giảm dần tổng chi phí vốn của ngân hàng, từ đó mới giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn đang khó trong việc hạ lãi suất huy động kỳ hạn dài.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank, lý giải: "Quy định vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ tháng 9 năm nay sẽ giảm xuống chỉ còn 30%, nên các ngân hàng phải tiếp tục tìm cách huy động vốn dài hạn, khiến lãi cho vay dài hạn hạ xuống chậm hơn so với cho vay ngắn hạn".
Tuy nhiên, trong bối cảnh giảm lãi suất cho vay đang là vấn đề “nóng”, là một trong những mục tiêu hàng đầu vực dậy nền kinh tế thì chắc chắn lãi suất cho vay sẽ nhanh chóng giảm trong quý II này.
Phát biểu tại cuộc họp với các bộ ngành và một số ngân hàng thương mại nhà nước về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất ngày 24/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu NHNN phân tích sâu sắc hơn nữa các yếu tố liên quan đến cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; đánh giá kỹ lưỡng khả năng hấp thụ vốn của các nhóm doanh nghiệp. Đồng thời, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động, để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để có thể tiếp tục hạ lãi suất, chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp.
Huyền Anh