Từ 1/6 BIDV điều chỉnh giảm từ 0,2 đến 0,5%/năm lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn so với tháng trước |
Ngay đầu tháng 6, không chỉ có các "ông lớn" ngân hàng có vốn Nhà nước mà một số ngân hàng thương mại cổ phần đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng 0,1 – 0,5%/năm so với tháng trước.
Xu hướng giảm lãi
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, 4 "ông lớn" ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank, chiếm tới 50% tổng tiền gửi trên hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, cũng đều có sự điều chỉnh giảm lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm kể từ tháng 6.
Cụ thể, ngân hàng Agribank điều chỉnh giảm lãi suất tất cả các kỳ hạn trong khoảng từ 0,1 - 0,45%/năm. Biểu lãi suất tiết kiệm ngân hàng Agribank nằm trong khoảng từ 4% đến 6,5%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng.
Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,1 đến 0,45 điểm % so với tháng 5/2020. Chẳng hạn, kỳ hạn từ 3 đến dưới 6 tháng là 4,25%/năm. Từ 6 tháng trở lên đến 9 tháng giảm về mức 4,9%/năm và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng chỉ còn 5,1%/năm.
Vietcombank điều chỉnh giảm 0,25%/năm lãi suất tại kỳ hạn 3 tháng, còn 4,25%/năm, giảm 0,1%/năm lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 4%/năm. Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn khác giữ nguyên.
Tương tự, BIDV chỉ giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 9 tháng ở mức 5,1%/năm, các kỳ hạn còn lại điều chỉnh giảm từ 0,2 đến 0,5%/năm so với tháng trước.
Cụ thể, các khoản tiền gửi có kì hạn 1 tháng và 2 tháng được áp dụng cùng mức lãi suất là 4%/năm, giảm 0,3 điểm % so với thời điểm đầu tháng 5/2020. Lãi suất kì hạn 3 tháng và 5 tháng được điều chỉnh giảm khá sâu so với các kì hạn khác xuống còn 4,25%/năm, tức giảm tới 0,45 điểm % so với biểu lãi suất đầu tháng 5.
Lãi suất kì hạn 6 tháng giảm nhẹ 0,2 điểm % so với đầu tháng 5 xuống còn 4,9%/năm. Riêng tiền gửi kì hạn 9 tháng được ngân hàng BIDV giữ nguyên mức lãi suất áp dụng là 5,1%/năm.
Đối với các khoản tiền gửi có kì hạn dài từ 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng được ngân hàng BIDV ấn định chung mức lãi suất là 6,5%/năm.
Các ngân hàng thương mại cũng tham gia cuộc đua giảm lãi suất huy động lần này như Techcombank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng 0,1%/năm, còn 5,2%/năm nhưng lại tăng 0,1 - 0,4% ở các kỳ hạn khác.
Chẳng hạn, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 3,4%/năm, 6 tháng 5,4%/năm, 24 tháng lên 5,3%/năm…
Lãi suất huy động tiền đồng của Ngân hàng TMCP Bản Việt giảm nhẹ 0,05 - 0,1%/năm, các kỳ hạn dưới 6 tháng còn 4,2%/năm, 6 tháng còn 6,9%/năm, 12 tháng 7,3%/năm…
Mặc dù vẫn giữ mức lãi suất cao nhất 8,4%/năm ở kỳ hạn 13 tháng, Eximbank đã điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn 6 tháng còn 5,6%/năm, 12 tháng còn 7,2%/năm.
Lãi suất sẽ giảm sâu khi lạm phát dưới 3%
Công ty cổ phần chứng khoản SSI Research cho rằng, lãi suất huy động của các ngân hàng giảm là do gần đây Ngân hàng Nhà nước mạnh tay bơm thêm tiền ra thị trường, làm cho thanh khoản của các ngân hàng thương mại dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh.
"Tuy chênh lệch lãi suất huy động giữa các ngân hàng nhỏ với nhóm lớn hiện lên tới 1-1,8 điểm % nhưng do ngân hàng nhỏ bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng nên khả năng hấp thụ lượng tiền gửi cũng hạn chế và có thể các ngân hàng này sẽ giảm tiếp lãi suất trong thời gian tới", SSI Research nhận định.
Theo đánh giá của PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM), việc giảm lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, tăng đầu tư, tạo công ăn việc làm, từ đó tăng thu nhập cho người dân...
Gần đây, các ngân hàng thương mại cũng cho biết việc tìm vốn giá rẻ không hề dễ dàng, để giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng phải cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận.
Để kéo giảm lãi suất cho vay, trở ngại lớn nhất là ngân hàng vẫn loay hoay kéo giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, hiện nay lạm phát cao hơn so với cùng kỳ những năm trước (CPI tháng 5/2020 vẫn tăng 2,4% so với cùng kỳ 2019). Trong khi đó tâm lý chung của người gửi tiền là lãi suất phải thực dương (tức lãi suất tiền gửi phải cao hơn mức lạm phát). Bởi, nếu gửi tiết kiệm không có lợi, người dân sẽ xoay qua kênh đầu tư khác, trong đó có vàng, USD...
Tuy nhiên, để tiếp tục giảm lãi suất huy động trong thời gian tới, một chuyên gia cho rằng cần phải duy trì lạm phát dưới 3%, lúc đó có thể giảm lãi suất huy động ngắn hạn ở mức 3-4%/năm, còn lãi suất cho vay dài hạn ở mức 6%/năm là đã cơ bản hợp lý. "Với mức lạm phát này, lãi suất huy động khoảng 3% và cộng 2-3% cho các chi phí kinh doanh, lợi nhuận của ngân hàng, mặt bằng lãi suất mới giảm đáng kể được", chuyên gia này nói.
Thanh Hoa