Thanh khoản ngân hàng đang dư thừa do tăng trưởng tín dụng âm (Ảnh minh hoạ: Intrener) |
Tại Hội nghị trực tuyến với “Tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19” được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết tính đến 16/4, tín dụng toàn ngành tăng 0,78%, nghĩa là đã sụt giảm 0,52% trong nửa đầu tháng 4. Do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, cung và cầu suy giảm, doanh nghiệp hầu như không có nhu cầu vay mới mà tập trung vào trả nợ.
Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh
NHNN vừa công bố báo cáo hoạt động ngân hàng từ ngày 13-17/4, cho biết doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND trong kỳ đạt xấp xỉ 249.834 tỷ đồng, bình quân 49.967 tỷ đồng/ngày, giảm 4.490 tỷ đồng/ngày so với tuần 6 - 10/4/2020; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 120.042 tỷ đồng, bình quân 24.008 tỷ đồng/ngày, tăng 497 tỷ đồng/ngày so với tuần trước.
Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (71% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 1 tuần (15% tổng doanh số giao dịch). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 82% và 9%.
Đáng lưu ý, không chỉ có doanh số giao dịch giảm, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm mạnh.
Theo đó, đối với các giao dịch bằng VND so với tuần trước, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần giảm ở các kỳ hạn. Cụ thể: lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lần lượt là 1,69%/năm, 1,93%/năm và 2,94%/năm.
Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần có giảm ở các kì hạn chủ chốt so với mức lãi suất tuần trước. Cụ thể: lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt là 1,17%/năm, 1,18%/năm và 0,79%/năm xuống mức 0,21%/năm, 0,37%/năm và 1,01%/năm.
Thực tế, những năm gần đây, thị trường liên ngân hàng hoạt động đơn thuần chỉ là cho vay đảm bảo thanh khoản, chứ không có những công cụ chuyển nhượng mua bán trên thị trường. Vì vậy, những ngân hàng nào thiếu vốn sẽ vay qua lại lẫn nhau.
Lãi suất huy động có thể giảm
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lý do các ngân hàng đang thừa vốn cũng do 2 nguyên nhân, một phần có thể do tăng trưởng tín dụng chậm lại và các ngân hàng đang phải đảm bảo tỷ lệ thanh khoản của NHNN.
Thứ nhất, hiện nay, thanh khoản của các ngân hàng đang dư thừa do tăng trưởng tín dụng chậm lại, bởi tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đang tạm ngừng sản xuất và chủ yếu tập trung vào thu hồi vốn và trả nợ, nên không có nhu cầu vay thêm vốn mới. Điều này cũng được thể hiện qua con số tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu tháng 4. Tính đến cuối tháng 3, tăng trưởng tín dụng đạt 1,3%, nhưng đến ngày 16/4 giảm mạnh còn 0,78%, giảm 0,52%.
Thứ hai, theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từ ngày 1/1/2020, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) tối đa ở mức 85%.
Ví dụ, ngân hàng huy động được 100 đồng chỉ được sử dụng cho vay 85 đồng, còn 15 đồng phải để dự trữ thanh khoản. Giả sử ngân hàng chưa dùng đến số tiền này thì sẽ mang ra thị trường liên ngân hàng giao dịch hoặc mua trái phiếu Chính phủ.
Đặc biệt, với các ngân hàng thương mại có quy mô tài sản lớn đang có tỷ lệ LDR trên 85% nên buộc phải dịch chuyển vốn sang kinh doanh trên liên ngân hàng nhiều hơn để đáp ứng quy định mới. Cung càng lớn, cầu ít thì lãi suất thị trường sẽ giảm.
“Như vậy, nếu các ngân hàng đảm bảo tỷ lệ LDR của NHNN kiểu gì hiện tượng dư thanh khoản cũng xuất hiện trên thị trường liên ngân hàng”, một chuyên gia cho hay.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong thời gian tới nếu thị trường vẫn chưa hấp thụ được vốn, thanh khoản ngân hàng tiếp tục dư thừa, khả năng lãi suất huy động ngắn hạn và trung hạn sẽ giảm.
Thực tế, ngay trong tuần đầu của tháng 4/2020, một số ngân hàng đã giảm nhẹ lãi suất huy động ở một số các kỳ hạn ngắn như: Techcombank áp dụng mức lãi suất huy động từ 3,8-4,65%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,4-6,4%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; Vietcombank giảm 0,2%/năm xuống còn 5,1%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; VietinBank, lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm mạnh xuống còn 5,1%/năm.
Các chuyên gia lĩnh vực tài chính ngân hàng nhận định, lãi suất huy động giảm nhờ sự hỗ trợ từ NHNN thông qua việc hạ trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn vào cuối năm 2019 và giữa tháng 3/2020. Bên cạnh đó, hiện nay, thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào, nguồn vốn đầu vào lãi suất thấp khá lớn và đa dạng nên cuộc cạnh tranh giảm lãi suất huy động từ cuối tháng 3 đến nay sẽ tạo ra dư địa để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mà không quá lo về tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM).
Thanh Hoa