Các ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn giá rẻ. |
Khảo sát biểu lãi suất của hơn 30 ngân hàng thương mại trong nước cho thấy, mặc dù lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đã được các ngân hàng thương mại đưa về 4,25% theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực từ 13/5 vừa qua. Tuy nhiên, lãi suất huy động cao nhất trên thị trường vẫn được duy trì trên 9%/năm đối với khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên bởi sự nhạy cảm lãi suất giữa cung và cầu tại Việt Nam còn yếu.
Lãi gửi tiết kiệm cao
Theo khảo sát hiện nay, lãi suất huy động kỳ hạn trên 13 tháng ở mức cao nhất đang thuộc về SHB lên đến 9,2%/năm. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải đảm bảo điều kiện số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.
Cùng số tiền gửi và kỳ hạn như SHB, nếu gửi ở VietCapital Bank, khách hàng chỉ được hưởng mức lãi suất là 8,5%/năm, còn gửi tại ABBank mức lãi giảm thêm 0,2%/năm.
Trong khi đó, Eximbank lại đưa ra mức lãi suất hấp dẫn 8,4% ở kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi trên 100 tỷ đồng, dành cho khách hàng mở mới tài khoản. Còn với kỳ hạn 24 tháng, ngân hàng này đưa mức lãi suất 8,4% dành cho khách hàng gửi số tiền trên 500 tỷ đồng, 8,2% với số tiền gửi 300 - 500 tỷ đồng và 8% với 200 - 300 tỷ đồng, với số tiền dưới 200 tỷ đồng là 7,5%/năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng đang niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn dài ở mức 8%/năm trở lên như: NCB, OCB, Nam A Bank, SCB...
Nhìn vào biểu lãi suất huy động của các ngân hàng trên có thể thấy một sự mất cân đối giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động hiện nay. Đó là việc hệ thống ngân hàng vẫn đang nỗ lực cắt giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tính từ đầu năm đến nay, hầu hết các ngân hàng đã giảm lãi suất từ 1 - 2%/năm, thậm chí ở một số lĩnh vực ưu tiên có ngân hàng giảm lãi vay lên đến 4,5%/năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn giảm, nhưng ở kỳ hạn dài không có dấu hiệu giảm. Như vậy, ngân hàng lấy nguồn lực ở đâu để giảm lãi vay?
Một số ngân hàng cho biết, phải cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận để hạ lãi vay, cơ cấu nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời gian qua.
Theo ước tính của TPBank, trong năm nay, tổng thu nhập của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khoảng 1000 tỷ đồng, bao gồm cả thoái dự thu khi cơ cấu lại nợ, hạ lãi suất cho khách hàng hiện hữu, khoản vay mới lãi suất cũng thấp hơn từ 1,5% - 2% so với trước đó…
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, huy động vốn đầu vào của các ngân hàng ở kỳ hạn dài trung bình đang ở mức 6,6 - 7,4%/năm, cộng thêm biên độ từ 3 - 4% nữa thì hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay ở kỳ hạn trung và dài ở mức 9,0 - 11%/năm.
Ngân hàng cũng có khó khăn
Các doanh nghiệp cho rằng mức lãi vay này quá cao so với khả năng của các doanh nghiệp trong bối cảnh vừa trải qua cơn khủng hoảng do dịch Covid-19. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất về mức 5 - 6%/năm.
Các chuyên gia cho rằng mong muốn giảm lãi suất cho vay của doanh nghiệp không phải chỉ đến thời kỳ Covid-19 mới được nêu ra, mà là nguyện vọng xuyên suốt từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, với giá vốn cao như vậy thì việc đưa lãi suất cho vay về mức dưới 5 - 6%/năm là không thể.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Giảm lãi vay thấp là đòi hỏi chính đáng của doanh nghiệp. Trên thực tế, ngân hàng đã thực hiện hầu hết các giải pháp có thể tiến hành để hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn nợ, giảm lãi vay, giảm phí... Song thiết lập mặt bằng lãi vay mới như kỳ vọng của doanh nghiệp thì không phải muốn là được, doanh nghiệp cũng phải thông cảm với ngân hàng”.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho rằng không ngân hàng nào chấp nhận huy động vào lãi suất 7%/năm và cho vay với lãi suất 8%/năm để chịu lỗ. Đương nhiên, trong một số trường hợp, các ngân hàng thương mại cần phải chấp nhận lãi suất đầu vào hơi cao, trong khi giảm lãi suất đầu ra theo yêu cầu của NHNN. Lúc đó, các ngân hàng sẽ tính tới việc tăng các nguồn thu khác liên quan đến dịch vụ, bán chéo sản xuất...
"Nhưng tôi khẳng định rằng lãi suất huy động hiện nay đã giảm tương đối nhiều so với đầu năm", ông Lực nhấn mạnh.
Trong bối cảnh phải hỗ trợ cho khách hàng giảm lãi suất nhưng nguồn vốn đầu vào vẫn cao, một số ngân hàng đã phải xoay sở vốn giá rẻ từ nguồn khác. Lãnh đạo TPBank cho biết không thể phụ thuộc vào thu nhập từ tín dụng mà phải tăng thu nhập từ ngoài tín dụng. "Chúng tôi xoay sang hình thức mới để huy động được vốn tốt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank nói.
Ông Nguyễn Đình Vinh – Phó Tổng Giám đốc VietinBank cũng thừa nhận trong bối cảnh này rất khó khăn huy động nguồn vốn giá rẻ. Vì vậy, ngân hàng phải tiết giảm chi phí để cung cấp cho thị trường cho doanh nghiệp cho người dân những khoản vay ưu đãi nhất.
“Hiện nay, nguồn vốn cung cấp cho thị trường của VietinBank nói riêng và các ngân hàng thương mại nói chung chủ yếu từ nguồn vốn huy động trên thị trường. Do đó, các ngân hàng sẽ cố gắng tiết giảm chi phí và huy động các nguồn vốn giá rẻ, qua đó mới có điều kiện tốt hơn nữa để cung cấp cho thị trường các khoản vay có lãi suất thấp hơn”, ông Vinh cho hay.
Thanh Hoa