Từ đầu tháng 5 đến nay có 18 ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm: ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank, ngân hàng số Cake by VPBank, MB và HDBank. Trong đó, 5 ngân hàng là VIB, Techcombank, CB, SeABank và ABBank đã có 2 lần tăng lãi suất trong vòng 1 tháng.
Lãi suất huy động đã vượt mốc 6%/năm
Theo ghi nhận, mức lãi suất tiền gửi thông thường cao nhất hệ thống ngân hàng đã được điều chỉnh lên mức trên 6%/năm thuộc về HDBank dành cho kỳ hạn từ 15-18 tháng là 6,2%/năm.
Theo đó, HDBank vừa thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 20/5/2024. Trong đó, ngân hàng này đồng loạt tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn 1 – 18 tháng thêm 0,3%/năm, trong khi giữ nguyên ở các kỳ hạn khác.
Các chuyên gia dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng bình quân 0,5 – 1%/năm từ vùng đáy. |
MB cũng vừa thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 21/5. Trong đó, với tiền gửi của khách hàng cá nhân thông thường và nhận lãi cuối kỳ, ngân hàng này đồng loạt tăng lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 1-15 tháng thêm 0,1-0,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất hiện nay là kỳ hạn 12-15 tháng tăng từ 4,5%/năm lên 4,6%/năm.
MB cũng tăng lãi suất huy động đối với tiền gửi của khách hàng tổ chức, áp dụng cho các kỳ hạn 1-60 tháng thêm 0,1-0,2%/năm. Trong đó, mức lãi suất 5,5%/năm được áp dụng cho tiền gửi tại các kỳ hạn 36-60 tháng.
Đáng chú ý, trên thị trường, một số nhà băng ghi nhận tăng mạnh lãi suất với mức tăng lên tới 0,9%/năm như CB và OceanBank.
Xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4 và tháng 5. Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm 4 ngân hàng do Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.
Nguyên nhân đẩy lãi suất tiết kiệm tái tăng là do tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.
Bên cạnh đó, bước sang quý II, cầu tín dụng bắt đầu phục hồi đòi hỏi các ngân hàng phải tính đến việc huy động thêm vốn để chuẩn bị phục vụ nhu cầu tín dụng trong thời gian tới, nhất là khi room tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao 15% từ đầu năm.
Trong đại hội đồng cổ đông vừa qua, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại thừa nhận, lãi suất đang trong xu hướng đảo chiều tăng trở lại.
"Chúng tôi cho rằng lãi suất huy động khó có thể duy trì như những tháng đầu năm. Khả năng lãi suất sẽ đi ngang hoặc tăng từ nay đến cuối năm", ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB nhận định.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB cũng dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm, khi nền kinh tế bước qua giai đoạn khó khăn và cầu tín dụng tăng trở lại.
Tiền nhàn rỗi có ở lại ngân hàng?
Giới phân tích cũng đánh giá lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vậy, liệu dòng tiền có ở lại ngân hàng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang hấp dẫn hơn?
Báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng cho thấy, tăng trưởng huy động tiền gửi của các ngân hàng ở mức rất thấp, thậm chí nhiều nhà băng lớn ghi nhận tiền gửi khách hàng sụt giảm trong 3 tháng đầu năm như Vietcombank, MB, SHB, VIB, TPBank.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm (cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%), trong khi tín dụng nền kinh tế tăng gần 1,4%.
Hiện nay, mặc dù lãi suất huy động tăng, song mức tăng vẫn nhỏ giọt. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhiều ngân hàng chỉ còn 4,5-5%.
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất ở mức thấp, khiến cho nhu cầu nắm giữ các tài sản sinh lời cao hơn tăng lên gây áp lực đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Tuy vậy, với tín dụng vẫn đang tăng trưởng thấp, đà tăng của lãi suất huy động sẽ không quá nhanh trong các tháng tới.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, mặt bằng lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5 – 1%/năm từ vùng đáy, tuỳ kỳ hạn và nhóm ngân hàng. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng cũng như diễn biến chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính đánh giá, mặt bằng lãi suất hiện đã ở mức thấp của nhiều năm. Xu hướng lãi suất huy động "ấm" lên cũng là tín hiệu giúp kênh đầu tư này lấy lại sự hấp dẫn với dòng tiền nhàn rỗi.
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, lượng tiền quay trở lại kênh tiền gửi sẽ nhỏ giọt bởi tâm lý của nhiều người dân Việt là đầu cơ. Trong khi đó, vàng đang là kênh có biên độ tăng giảm lớn, hấp dẫn nhà đầu tư "lướt sóng". Bất động sản đang hút dòng tiền sớm quay trở lại khi sự phục hồi ngày càng rõ nét. Kênh đầu tư chứng khoán cũng đang khởi sắc. Thế nên, dòng tiền có xu hướng tìm đến kênh vàng, bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm.
Huyền Anh