Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc điều chỉnh lãi suất huy động trái chiều của một số ngân hàng trong tháng 2 đi cùng xu hướng tăng dần của lãi suất liên ngân hàng có thể hàm ý kịch bản lãi suất huy động có thể nhích tăng dần từ quý II/2024, sớm hơn so với kỳ vọng trước đó của nhóm phân tích là lãi suất huy động có thể tăng từ nửa cuối năm 2024.
Tăng lãi suất để cơ cấu nguồn vốn
Sau giai đoạn các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, thì mới đây, bắt đầu có một số ngân hàng thương mại rục rịch tăng nhẹ lãi suất tiền gửi từ 0,1-0,4 điểm % như Techcombank, Sacombank, BVBank, ACB. Sự điều chỉnh này được nhìn nhận như là một biện pháp thu hút thêm tiền gửi sau dịp Tết Nguyên đán.
Lãi suất tăng nhẹ chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn, các kỳ hạn dưới 5 tháng ở nhóm ngân hàng cổ phần, phổ biến từ 2,5-3,8%/năm. Riêng với tiền gửi 12 tháng vẫn dao động trên dưới 5%/năm. Các chuyên gia nhận định, việc một vài ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất xuất phát từ nhu cầu cơ cấu lại nguồn vốn của chính ngân hàng.
Lãi suất tiền gửi tăng nhẹ ở kỳ hạn ngắn, phần lớn là do nhu cầu cục bộ ở một số ngân hàng nhỏ. |
Lãnh đạo một ngân hàng lý giải việc tăng lãi suất chỉ ở một vài kỳ hạn, do các kỳ hạn này có mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung nên điều chỉnh tăng. Mặt bằng chung lãi suất huy động vẫn ở mức thấp và xu hướng là ổn định.
Không chỉ lãi suất đầu vào tại một số ngân hàng, trên thị trường liên ngân hàng đầu tuần này, lãi suất cũng bật tăng trong 3 phiên liên tục, có lúc tăng vọt lên mức 4,14%/năm, tạo ra tâm lý “bất an” cho giới đầu tư tài chính. Bởi, mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng luôn duy trì ở mức thấp trong suốt một giai đoạn dài, từ cuối năm 2023 sang đầu năm 2024 chỉ loanh quanh ở mức rất thấp khoảng 0,14 – 0,18%/năm. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, diễn biến đó chỉ là tạm thời và thanh khoản chung của hệ thống ngân hàng vẫn trong trạng thái ổn định.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest cho biết: "Trong quá trình kinh doanh thì đôi khi một vài hoạt động huy động để đáp ứng một số kỳ hạn cần phải có, và điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng linh hoạt trong việc điều chỉnh, và chúng ta chưa thấy có sự căng thẳng tiền tệ nào diễn ra".
Đáng chú ý, động thái tăng nhẹ lãi suất huy động từ dân cư diễn ra sau khi lãi suất liên ngân hàng đã chạm mức cao nhất trong 9 tháng, cho thấy nhu cầu vốn của các ngân hàng là có. Đặc biệt, trong báo cáo phân tích vĩ mô mới công bố, VDSC ước tính tăng trưởng huy động vốn tính đến ngày 16/2 giảm 1,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, huy động vốn bằng VND giảm 1,25% và bằng USD giảm 5,9%.
"Nhìn lại số liệu lịch sử, tăng trưởng huy động vốn các tháng đầu năm có xu hướng chậm lại trong giai đoạn từ 2020 đến nay, tuy nhiên, nếu căn cứ vào ước tính đến ngày 16/2/2024 thì hoạt động huy động vốn đầu năm nay cũng kém hơn các năm trước. Điều này cũng phần nào lý giải thanh khoản của hệ thống có dấu hiệu căng thẳng trong giai đoạn đầu năm", VDSC nêu.
Một chuyên gia nhận xét, thời điểm tháng 1 rơi vào dịp Tết Nguyên đán, người dân và doanh nghiệp có nhu cầu rút tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng để chi tiêu và chi trả lương thưởng cho nhân viên, hiện lượng tiền quay trở lại hệ thống chưa nhiều. Hơn nữa, đầu năm, trong kế hoạch kinh doanh của một số ngân hàng sẽ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để đảm bảo tính an toàn. Do đó, nhu cầu hút tiền sẽ tăng khiến lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ.
Đồng tình, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng đà tăng của lãi suất liên ngân hàng chỉ là tạm thời do sự thiếu hụt thanh khoản cục bộ tại một ngân hàng, chứ không đại diện cho toàn hệ thống.
Lãi suất hấp dẫn hơn trong thời gian tới?
Tăng lãi suất để hút tiền gửi cũng là hoạt động thường thấy của các ngân hàng dịp năm mới. Nhất là khi năm nay, các ngân hàng thương mại đã được giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, đòi hỏi phải có lượng vốn để sẵn sàng cho vay. Dù hiện tại, tín dụng đang tăng trưởng âm, nhưng được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi.
Ông Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho biết: "Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thì hầu hết các doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất kinh doanh, nhu cầu về tiền mặt trong thanh toán của các ngân hàng thương mại gia tăng đột biến, một vài ngân hàng có hiện tượng tăng lãi suất huy động nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh".
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư FIDT, đánh giá xu hướng tín dụng sẽ tăng trong thời gian tới khi ngành ngân hàng tập trung đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế. Do đó, việc một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động để tăng nguồn vốn huy động chuẩn bị cho nhu cầu vay vốn sắp tới cũng là dễ hiểu.
"Mức tăng thêm 0,1-0,3 điểm % là không nhiều để tác động tới mặt bằng lãi suất. Chưa kể, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn đang duy trì lãi suất đầu vào rất thấp sẽ tạo áp lực cạnh tranh tới các ngân hàng khác. Lãi suất cho vay cũng khó bị tác động trước việc lãi suất tiền gửi nhích lên gần đây", ông Tuấn nói.
Các chuyên gia cũng lưu ý, lãi suất tiền gửi chủ yếu nhích tăng ở kỳ hạn ngắn, trong khi lãi suất liên ngân hàng đã bắt đầu hạ nhiệt. Vì thế, đợt điều chỉnh này phần lớn là do nhu cầu cục bộ ở một số ngân hàng nhỏ, còn thanh khoản hệ thống vẫn khá dồi dào, sẵn sàng tiếp vốn cho sản xuất kinh doanh.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia MBS dự báo lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý I/2024. Tuy nhiên, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 25 - 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,25% - 5,5% trong năm 2024.
Huyền Anh