Hai tuần đầu tháng 9, cả 4 ngân hàng có vốn nhà nước và nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Chẳng hạn, BIDV và Agribank cùng điều chỉnh giảm 0,1 điểm % xuống còn 5,5%/năm tại kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.
Lãi suất thấp hiếm thấy
Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân lãi suất huy động giảm mạnh hơn. Tại Sacombank đã giảm từ 0,2 đến 0,5 điểm % so với tháng trước, tùy từng kỳ hạn. Trong đó, lãi suất huy động tại kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng giảm 0,2 điểm % xuống còn 2,9%/năm và 3%/năm.
Từ kỳ hạn 2 tháng đến 5 tháng, lãi suất huy động được áp dụng ở mức 3%/năm, giảm 0,3 điểm % so với tháng trước, lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 4,3%/năm, tương ứng giảm 0,3 điểm %.
Lãi suất huy động trong tháng 9 tiếp tục ghi nhận giảm thêm 0,1-0,5 điểm % so với tháng trước. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Lãi suất huy động kỳ hạn 7 tháng đến 11 tháng cũng đồng loạt được điều chỉnh giảm tới 0,4 điểm % cho mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2 điểm %. Đặc biệt, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tại ngân hàng đã giảm tới 0,5 điểm %, xuống còn 5,8%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi cao nhất mà khách hàng có thể hưởng tại Sacombank ở thời điểm này.
Tại Techcombank, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 tháng và từ 6 tháng đến 36 tháng đồng loạt giảm 0,1 điểm %, riêng kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng có cùng mức giảm là 0,15 điểm % so với khảo sát cuối tháng 8.
Hay tại Eximbank, lãi suất tiền gửi tháng 9 đã giảm 0,4 điểm %, 0,35 điểm % và 0,3 điểm % tương ứng với các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng. Sau điều chỉnh, các kỳ hạn này được niêm yết lãi suất lần lượt là 3,1%/năm, 3,15%/năm và 3,2%/năm. Các kỳ hạn còn lại cũng được điều chỉnh giảm từ 0,1 đến 0,2 điểm % so với tháng trước.
Dù hiện nay Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 4%/năm nhưng lãi suất kỳ hạn 1 -3 tháng ở nhóm big 4 chỉ còn từ 3,1 – 3,4 %/năm; thậm chí một số ngân hàng thương mại cổ phần mức lãi suất kỳ hạn này còn giảm xuống từ 2,5 - 3,2%/năm, điển hình như MB, Techcombank…
Ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ có ACB đang áp dụng mức lãi suất cao nhất 6,3%/năm, còn lại các ngân hàng khác chủ yếu áp dụng mức dưới 6%/năm.
Nguồn tiền vào ngân hàng chững lại
Các chuyên gia cho rằng lãi suất huy động giảm mạnh do nhiều nguyên nhân. Thanh khoản các ngân hàng đang dồi dào do nhu cầu tín dụng thấp vì lúc này hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang bị “đứt gãy” do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành nên dù lãi vay giảm doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn. Do vậy ngân hàng phải chủ động giảm lãi suất đầu vào.
Một diễn biến đáng chú ý khác là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cũng thay đổi phương thức mua ngoại tệ kỳ hạn sang giao ngay, điều này sẽ giúp NHNN kịp thời bổ sung thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Tới cuối tháng 8, NHNN cũng tiếp tục ban hành quyết định giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ 0,5% xuống còn 0%.
Các chuyên gia đánh giá những động thái này của NHNN đều đang hướng tới việc bơm thêm Việt Nam đồng ra thị trường. Điều này khiến tiền trong hệ thống lại tiếp tục dư thừa, qua đó nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là khi các doanh nghiệp và cá nhân đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh kéo dài.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm khiến nhiều ý kiến cho rằng nguồn tiền nhàn rỗi sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn. Và thực tế cũng cho thấy, nguồn tiền tiết kiệm vào ngân hàng cũng đang có dấu hiệu chững lại khi lãi suất huy động liên tục giảm sâu.
Trong khi đó, kênh đầu tư vàng đang rất ảm đạm, bởi giá vàng trong thời gian qua biến động mạnh, nên nhiều người muốn giữ vàng cũng không dám mạo hiểm vì đã "trễ nhịp", giá vàng quá cao. Kênh bất động sản thị trường kém sôi động so với hồi đầu năm.
Đáng chú ý kênh đầu tư chứng khoán đang hút lượng tiền rất lớn của nhà đầu tư. Chị Phạm Minh Thùy - một nhà đầu tư cho biết, đầu tư chứng khoán ở thời điểm hiện tại có thể sinh lời cho số tiền nhàn rỗi. “Cuối tháng 8 tôi rút 200 triệu đồng tiền tiết kiệm để đầu tư chứng khoán. Chỉ trong vòng 2 tuần đã thu lãi 13 triệu đồng”, chị Thùy cho hay.
Theo đánh giá của một chuyên gia, với những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế hiện nay vẫn chưa thể hồi phục trong những tháng còn lại của năm 2021, do đó khả năng lãi suất ngân hàng vẫn ở mức thấp sẽ là yếu tố giúp thị trường chứng khoán sôi động hơn.
"Trước đây nhà đầu tư có xu hướng bán chứng khoán để chuyển tiền đầu tư vào bất động sản, nhưng điều này sẽ khó có thể thực hiện trong bối cảnh này. Chính vì nhìn ra được xu hướng đó nên những người có bất động sản cũng không giảm giá, điều này đang diễn ra trong thực tế trên thị trường", vị chuyên gia nói.
Thanh Hoa