Theo các chuyên gia, đặt trong bối cảnh hiện nay, việc lãi suất huy động giảm sẽ là cơ sở để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục
Những ngày cuối tháng 8, lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng và các tổ chức kinh tế dân cư tại hàng loạt ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ tại một số kỳ hạn. Điển hình như BIDV và Agribank là hai ngân hàng có sự điều chỉnh lãi suất tại kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng với mức giảm 0,1 điểm phần trăm về 5,5%/năm, bằng với Vietcombank và thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với VietinBank.
Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục giảm. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Tại nhóm các ngân hàng cổ phần, số lượng ngân hàng giảm lãi suất tại các kỳ hạn nhiều hơn và mức giảm cũng mạnh hơn, dao động từ 0,2 - 0,8 điểm phần trăm.
Mới đây nhất, ngày 26/8, Eximbank đã ra thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới đối với khách hàng cá nhân. Theo đó, lãi suất của ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm 0,2%/năm cho mỗi kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.
Chẳng hạn, lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy cho kỳ hạn 15 tháng đến 36 tháng chỉ còn 6,1%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất gửi tại quầy cũng giảm xuống còn 5,9%/năm.
Tại TPBank, biểu lãi suất tiết kiệm áp dụng từ ngày 16/8 ghi nhận giảm mạnh so với đầu tháng. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 18 tháng và 36 tháng đều giảm mạnh 0,8 điểm phần trăm xuống còn 6%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng giảm 0,6 điểm phần trăm xuống còn 3,2%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng giảm 0,5% điểm phần trăm xuống còn 5,7%/năm.
Techcombank cũng đã có hai lần điều chỉnh lãi suất trong tháng 8, lần gần nhất là ngày 23/8. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm thường của ngân hàng ở hầu hết các kỳ hạn đều ghi nhận giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm.
Tại Sacombank, khảo sát cho thấy khung lãi suất áp dụng từ ngày 19/8 có phạm vi từ 2,9%/năm đến 5,8%/năm dành cho khách hàng cá nhân khi gửi tiền từ kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng, giảm khoảng 0,2-0,5%/năm so với đầu tháng.
Trong công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động tính đến cuối tháng 7/2021, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân ở các ngân hàng thương mại trong nước khoảng 3,3 - 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2 - 5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,4 - 6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1 - 6,9%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Thanh khoản dồi dào hỗ trợ mục tiêu giảm lãi suất cho vay
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục, các chuyên gia cho rằng đây là nguyên nhân khiến việc gửi tiền tại các nhà băng trở nên kém hấp dẫn. Trong khi đó, sự bùng nổ của các kênh đầu tư khác như chứng khoán lại đang hút một lượng tiền nhàn rỗi lớn từ cư dân.
Số liệu cập nhật đến cuối tháng 6/2021, quy mô tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng ở mức gần 5,3 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,94% so với cuối năm 2020. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 10,14% vào cuối tháng 6 trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, ngoài yếu tố tác động do đại dịch Covid-19 kéo dài trong gần 2 năm qua đã và đang ảnh hưởng lớn tới tất cả các mặt của nền kinh tế đồng thời ảnh hưởng mạnh tới thu nhập của người dân, thì yếu tố quan trọng là lãi suất huy động đang trở nên kém hấp dẫn so với một số kênh đầu tư khác.
Các chuyên gia nhận định, lãi suất tiền gửi quá thấp sẽ tạo ra hiện tượng người dân rút tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng, chuyển sang các kênh đầu tư khác gây ra những bất ổn đối với nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng có thể bị đặt trong tình trạng thiếu thanh khoản, dẫn đến thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Như vậy, khách hàng đứng trước thực tế phải cạnh tranh để được vay vốn. Điều này sẽ khiến cho lãi suất cho vay bị đẩy lên, nếu không thì chi phí không chính thức vay vốn cũng tăng lên, chứ không thể giữ thấp được. Như vậy, mục đích giữ lãi suất cho vay thấp sẽ không thành.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hiện nay, việc lãi suất huy động giảm trong bối cảnh thanh khoản hệ thống trở lại dư thừa, điển hình là trong tháng 7 và tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã bơm hàng trăm nghìn tỷ đồng vào hệ thống thông qua đáo hạn các hợp đồng bán ngoại tệ.
Cùng với đó, dịch bệnh bùng phát mạnh và nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã khiến cầu tín dụng bị ảnh hưởng mạnh. Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Thực tế, hàng loạt ngân hàng đã giảm 0,5-2%/năm đối với lãi suất cho vay từ giữa tháng 7 và tháng 8. Theo đó, ngân hàng có thể đã giảm lãi suất huy động để duy trì biên lợi nhuận.
Huyền Anh