Khảo sát từ báo cáo tài chính quý III/2024 của 28 ngân hàng có 9 nhà băng thuyết minh chi tiết các khoản thu từ hoạt động dịch vụ. Trong đó, có 4 ngân hàng ghi nhận tăng mạnh, 4 ngân hàng giảm và 1 ngân hàng duy trì mức như cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu xét tổng doanh thu bảo hiểm của 9 ngân hàng vẫn tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 10.500 tỷ đồng.
Phân hoá thu nhập bán chéo bảo hiểm
Trong cơ cấu nguồn thu từ dịch vụ, nhiều ngân hàng ghi nhận sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, Kienlongbank là ngân hàng có mức tăng trưởng thu nhập từ bảo hiểm cao nhất, với mức tăng gần 74%, thu về gần 40 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, mảng kinh doanh bảo hiểm chỉ mang về cho nhà băng này 23 tỷ đồng; luỹ kế cả năm 2023 đạt 36,3 tỷ đồng, giảm 44% so với năm 2022.
VPBank cũng là ngân hàng có tăng trưởng thu nhập bảo hiểm hai chữ số khi trong 9 tháng đầu năm nay đạt 2.820 tỷ đồng, tăng 51,34% so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ đạt 1.864 tỷ đồng). Năm 2023, VPBank cũng "thấm" khó khăn chung khi thu từ bảo hiểm chỉ mang về 2.937 tỷ đồng, giảm gần 13% so với năm 2022.
Kienlongbank tăng mạnh thu nhập về bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm. |
Trong khi đó, Techcombank và SeABank ghi nhận mức tăng lần lượt là 29,69% và 14,29%.
Báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy thu từ phí dịch vụ bảo hiểm mang về cho Techcombank 594 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay. Trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 458 tỷ đồng. Tính chung cả năm ngoái, doanh thu hợp tác bảo hiểm của Techcombank đạt 667 tỷ đồng, giảm gần 62% so với năm 2022 sau khi thị trường xuất hiện khủng hoảng niềm tin với ngành bảo hiểm.
Tại SeABank, 9 tháng đầu năm nay doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 88 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 77 tỷ đồng.
Ngược với tăng trưởng của các ngân hàng kể trên, báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy thu từ dịch vụ bảo hiểm 9 tháng đầu năm nay của VIB, PGBank, LPBank và TPBank giảm sâu, thậm chí có ngân hàng giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Như PGBank giảm 47,37% từ 19 tỷ đồng xuống còn 10 tỷ đồng; VIB giảm 49,93% từ 689 tỷ đồng còn 345 tỷ đồng; LPBank giảm 27,68% còn 384 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là 531 tỷ đồng); TPBank giảm nhẹ 0,34%, từ mức 291 tỷ đồng còn 290 tỷ đồng.
Riêng MB đi ngang so với cùng kỳ, đạt 5.989 tỷ đồng, dù không tăng trưởng, nhưng nguồn thu từ bảo hiểm khá lớn và đóng góp tới 57% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ.
Ngân hàng có động thái mới
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù số lượng các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng từ mảng kinh doanh bảo hiểm vẫn còn khiêm tốn, nhưng cũng là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance sau thời gian khó khăn.
Đại diện Techcombank cũng cho biết: Mức độ tăng trưởng từ phí dịch vụ bảo hiểm của ngân hàng phản ánh sự khác biệt trong sản phẩm "may đo" cho nhu cầu khách hàng khi thị trường chứng kiến niềm tin của người tiêu dùng dần quay trở lại, mặc dù còn ở mức độ khá thấp.
Sự phục hồi tích cực này đến từ sự thay đổi từ chính sách luật trong thời gian gần đây. Điển hình là Luật Kinh doanh bảo hiểm và Thông tư 67/2023 đã có nhiều quy định mới nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của khách hàng tốt hơn.
Bancassurance hiện cũng phải tuân theo quy định chặt chẽ hơn trước rất nhiều. Các ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Đồng thời, tư vấn viên phải ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn. Các kỳ thi với sản phẩm liên kết đơn vị được tổ chức khắt khe, khiến tỷ lệ đỗ xuống thấp.
Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm có tín hiệu tích cực, nhiều ngân hàng cũng có động thái mới. VPBank vừa trở thành cổ đông nắm giữ hơn 99% cổ phần tại Công ty cổ phần bảo hiểm OPES (bảo hiểm phi nhân thọ), sau khi công ty này tăng vốn điều lệ lên hơn 1.200 tỷ đồng.
Tại Techcombank, sau khi tuyên bố ngừng hợp tác độc quyền với Manulife Việt Nam từ tháng 10/2024, ngay sau đó ngân hàng này mở rộng hệ sinh thái tài chính thông qua góp vốn thành lập Công ty bảo hiểm phi nhân thọ Techcom.
Theo Techcombank, ra mắt công ty bảo hiểm phi nhân thọ Techcom đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình hoàn thiện hệ sinh thái tài chính toàn diện, đóng góp vào sự phát triển năng động của ngành bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.
Hay như LPBank chính thức tiếp nhận Bảo hiểm Xuân Thành từ tháng 2 năm nay và đổi tên thành Bảo hiểm LPBank.
Ngoài ra, các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank… đều sở hữu một công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán cho rằng, việc các bộ, ngành đưa ra giải pháp triệt để, phối hợp giám sát sẽ giúp kênh phân phối ngân hàng phát triển lành mạnh. Đây cũng là cơ hội để ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ xem xét, điều chỉnh điều khoản phù hợp với tình hình mới. Khi hủy hợp tác, yếu tố quan trọng nhất, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải đảm bảo duy trì quyền lợi cho khách hàng như hợp đồng đã ký kết.
Huyền Anh