Theo các chuyên gia, nguồn tiền đồng bổ sung từ nghiệp vụ mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đáo hạn đã không còn xuất hiện trong tuần qua, nhưng diễn biến của lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì đà giảm 3 tuần liên tục nhờ thanh khoản dồi dào khi dịch bệnh kéo dài, khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Lãi suất liên ngân hàng chạm đáy
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Trong phiên ngày 6/9, lãi suất bình quân liên ngân hàng vẫn ở mức thấp 0,65%/năm với cho vay qua đêm, 0,74%/năm với cho vay 1 tuần. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở 3 - 4%/năm với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7 - 5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 4,2 - 6,5%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Cầu tín dụng có thể tăng mạnh trở lại trong quý IV khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động sẽ tăng cao hơn. (Ảnh: Int) |
Trong khi đó, lượng tiền ở các ngân hàng khá dồi dào khi hơn 120.000 tỷ đồng từ các hợp đồng mua ngoại tệ đến hạn được đẩy ra thị trường trong tháng 7 và 8. Vì vậy, để cân đối lượng tiền huy động và cho vay, mới đây, một số ngân hàng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động như: TPBank, Sacombank, Techcombank, HDBank, MBBank… với mức giảm phổ biến 0,1 - 0,5 điểm %/năm so với tháng trước.
Theo đánh giá của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng: “Thời điểm này, các ngân hàng đang dồi dào một lượng tiền rất lớn. Trong khi đó, việc giãn cách xã hội kéo dài tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đã khiến các ngân hàng khó cho vay, khi hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Vì vậy, các ngân hàng cũng hạn chế nay mượn lẫn nhau”.
Mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (thuộc NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 8 năm nay mới đạt khoảng 7,4% so với đầu năm.
Trong khi trước đó, số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 6,66% đến cuối tháng 7, cao hơn 1,13% so với tháng 6 liền trước. Như vậy, tăng trưởng tín dụng riêng tháng 8 chỉ đạt khoảng 0,74%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của những tháng trước đó.
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cũng cho biết tăng trưởng tín dụng tháng 8 có xu hướng chậm lại và dự kiến tháng 9 cũng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và thực hiện hiện giãn cách xã hội. NHNN dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và 2 tháng cuối năm nay.
Cho vay thấp khiến ngân hàng thừa tiền
Các dự báo cho thấy khó khăn không thể qua nhanh. Một loạt các ngành nghề như nông, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, ô tô, dầu khí, giáo dục,... vẫn đang vật lộn với suy thoái.
Sản xuất kinh doanh chưa phục hồi hoàn toàn. Nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật,... dịch vẫn bùng phát. Việc xuất khẩu sang các thị trường này giảm mạnh. Như vậy, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp sẽ còn ở mức thấp trong nhiều tháng nữa.
Với phân khúc khách hàng cá nhân, sự khó khăn trong thời gian qua là thiếu việc làm, thất nghiệp gia tăng, thu nhập giảm sút, khiến mọi người phải thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu vay tiêu dùng.
Mặc dù vậy, các ngân hàng đang trông đợi 3 tháng cuối năm 2021, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, tín dụng sẽ tăng trưởng cao hơn. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, thông thường về cuối năm, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp và người dân đều tăng. Hơn nữa, việc tái cơ cấu các khoản nợ cho khách hàng đang diễn ra. Càng về cuối năm, càng có thêm nhiều khách hàng được tái cơ cấu nợ, gia hạn nợ, giãn nợ sẽ đủ điều kiện để vay vốn.
Khi nhu cầu tín dụng tăng nhanh, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động sẽ tăng cao hơn.
Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nhận định: "Trong quý IV/2021, cầu tín dụng có thể tăng mạnh trở lại, nhưng ở mức không quá cao. Chúng tôi dự báo tín dụng cả năm nay sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 10 - 11%".
Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh nhận định: "Kể từ quý IV/2021, khả năng nguồn vốn trong ngân hàng sẽ được khơi thông một cách tốt hơn và việc hạ lãi suất của các ngân hàng thực chất sẽ được thấm vào nền kinh tế ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên mức độ của nó sẽ ở mức độ chậm và tăng dần đều".
Giới chuyên môn cũng nhận định, lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10 tới sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất đang giảm hiện nay.
Huyền Anh