BaoVietBank vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng 3.153 tỷ đồng. |
Một số tên được nhắc đến như ngân hàng TMCP Đại chúng (PVCombank) là 13.656 tỷ đồng, ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) là 3.153 tỷ đồng, ngân hàng Shinhan Bank (Hàn Quốc) 132 tỷ đồng, ngân hàng Mizuho Hồ Chí Minh 192 tỷ đồng, ngân hàng Busan - chi nhánh Hồ Chí Minh là 83 tỷ đồng, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga là 69 tỷ đồng.
Lâu nay Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp để “ghìm cương” tăng trưởng tín dụng bằng phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) cho từng ngân hàng ngay từ đầu năm. Theo đó, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) phụ thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ đáp ứng các yêu cầu về an toàn hoạt động. Đặc biệt, ngân hàng nào đạt chuẩn Basel II sẽ được Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, với những ngân hàng nhỏ, ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu sẽ bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải để không gây rủi ro thanh khoản.
Dẫu vậy, trong quá trình hoạt động Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét nâng room tín dụng cho một số ngân hàng nếu đáp ứng được một số điều kiện như đảm bảo được "sức khỏe" tài chính, đưa tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ…
Kể từ năm 2018 tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đã giảm so với những năm trước, năm 2019 đạt 13% so với cuối năm 2018. Đầu năm 2020 Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%. Tuy nhiên, trước tác động của đại dịch Covid-19 các chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ đạt khoảng 10%.
Thanh Hoa