TPBank là một trong những ngân hàng đã được nới room tín dụng. |
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chấp thuận nới room tín dụng cho một số nhà băng như: HDBank, VPBank, VIB, TPBank, Techcombank, MB…
Ngân hàng muốn nới room tín dụng
Theo số liệu của NHNN, 8 tháng qua, hệ thống ngân hàng đã được bổ sung thêm gần 200.000 tỷ đồng thanh khoản. Tính đến giữa tháng 8, huy động vốn toàn hệ thống tăng gần 6,3%, trong khi tín dụng chỉ tăng 4,13%.
Theo ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN, việc nới room tín dụng cho một số ngân hàng có điều kiện tăng trưởng lành mạnh đã được thực hiện từ đầu tháng 7/2020 nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.
Trong top được tăng trưởng tín dụng cao nhất là Techcombank, VPBank, VIB, HDBank được nâng hạn mức tín dụng năm 2020 lên 19-23%. MBB cũng được điều chỉnh room tín dụng từ 11,75% lên 20%. Sacombank được nới room lên 14%.
Tổng giám đốc Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho rằng, do ảnh hưởng của Covid-19, cầu vốn của khách hàng không tăng đột biến. Hạn mức tín dụng của Sacombank được cấp đầu năm nay chỉ có 9% và gần 6 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng của Ngân hàng đã xấp xỉ 6%. Vì vậy, room tín dụng chỉ còn lại 3%, nên Sacombank đã trình xin NHNN nới room lên 14% để có thêm dư địa cho vay trong thời gian từ nay đến cuối năm 2020.
Theo tìm hiểu, mặc dù hiện tín dụng toàn hệ thống đang tăng trưởng khá chậm, nhưng cũng có những ngân hàng vẫn duy trì được mức tăng trưởng tương đối tốt do họ cho vay khả quan ở một số lĩnh vực và có những bạn hàng thường xuyên. Vì vậy, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, NHNN nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại cũng là một trong những công việc cần thiết trong giai đoạn này.
Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh suy giảm kinh tế, các ngân hàng cẩn trọng khi giải ngân và nhu cầu vay đi xuống. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn muốn có thêm dư địa cho vay để đón đầu mùa kinh doanh cuối năm và hỗ trợ vốn cho đối tượng mục tiêu, các dự án có tác động tới tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của NHNN như: lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án có tính lan toả và thúc đẩy phát triển kinh tế…
Đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng
Thực tế, nới room tín dụng về lý thuyết sẽ tạo thêm dư địa cho ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh sau những tác động quá nặng nề từ Covid-19, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thêm nữa, mặt bằng lãi suất hiện nay ngày càng giảm cũng là yếu tố để có thể kích thích tăng trưởng tín dụng. Từ đầu tháng 9/2020 đến nay nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động, thậm chí có ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất đến 3 lần.
Nhiều ngân hàng được nới chỉ tiêu thêm chục điểm phần trăm. |
Hiện, lãi suất các kỳ hạn ngắn thậm chí đã xuống dưới 2,55%/năm, thấp hơn nhiều so với trần quy định của NHNN.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm tới nay, mức độ rủi ro của các khoản vay trong cả năm 2020 chắc chắn sẽ tăng so với năm 2019. Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh đã được NHNN cũng như các TCTD triển khai rất quyết liệt thời gian qua.
Nhiều ý kiến đồng tình nới room cho ngân hàng có đủ điều kiện, song giới chuyên gia cũng lưu ý, những ngân hàng được cấp thêm room tín dụng phải được xem xét kỹ lưỡng về các điều kiện như: phải duy trì được các tiêu chuẩn, điều kiện trong cấp vốn, không tháo gỡ các thủ tục, quy định nội bộ, vì yêu cầu tiên quyết là phải đảm bảo an toàn vốn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng phân tích, diễn biến của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu nếu tiếp tục chiều hướng phức tạp có thể đẩy kinh tế thế giới suy thoái sâu và tác động nặng nề đến Việt Nam trên nhiều phương diện vì độ mở của nền kinh tế lớn, tương đương 200% GDP. Những diễn biến này tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến điều hành chính sách vĩ mô nói chung và điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng nói riêng.
"Vì vậy, chúng ta sẽ không thể hỗ trợ được cho nền kinh tế nếu không đảm bảo được an toàn cho hệ thống ngân hàng”, ông Hiếu chia sẻ.
Trong bối cảnh hiện nay việc điều hành của NHNN đã góp phần rất quan trọng để duy trì các nền tảng vĩ mô ổn định, giảm thiểu tác động bất lợi với nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng hoạt động tốt sẽ đóng góp vào nền tảng ổn định đó, ngược lại khi kinh tế vĩ mô ổn định cũng sẽ giữ cho hệ thống ngân hàng có được môi trường bền vững để phát triển.
Huyền Anh