Việc ngân hàng tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là một "đòn bẩy" tăng trưởng tín dụng. (Ảnh: Int) |
Báo cáo tài chính quý III/2020 của nhiều ngân hàng cho thấy, lượng trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng nắm giữ lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm nay, lượng trái phiếu mua vào của nhiều ngân hàng đã tăng gấp 2-3 lần so với đầu năm, dẫn đầu là VPBank, TPBank, Techcombank và MB…
"Đòn bẩy" tăng trưởng tín dụng
Theo ghi nhận từ báo cáo tài chính của Techcombank, đến cuối tháng 9/2020, lượng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng nắm giữ là 54.400 tỷ đồng, tăng hơn 24.000 tỷ đồng so với đầu năm, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước. Lượng trái phiếu này chiếm 19,5% tổng dư nợ tín dụng của Techcombank.
Tại VPBank, danh mục trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2019, với tổng giá trị trái phiếu nắm giữ lên tới hơn 38.171 tỷ đồng (cuối năm 2019 chỉ là hơn 14.222 tỷ đồng).
Trong khi đó, tính đến 30/9, lượng trái phiếu doanh nghiệp mà TPBank nắm giữ là hơn 12.703 tỷ đồng, tăng hơn 7.922 tỷ đồng, tương đương gấp 3 lần so với đầu năm.
Tương tự, tại MB, danh mục trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng gấp đôi so với đầu năm, với tổng giá trị trái phiếu nắm giữ lên tới 27.500 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2019 chỉ hơn 14.400 tỷ đồng). Hay như SeABank cũng ghi nhận lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tăng 3,5 lần…
Quan sát các đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản thời gian gần đây, bên mua có sự góp mặt của rất nhiều ngân hàng thương mại, với khối lượng mua khá lớn, từ vài trăm tỷ cho đến hàng nghìn tỷ đồng một đợt phát hành.
Trên thực tế, so với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao hơn rất nhiều. Trong đó, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đang là nhóm cao nhất trên thị trường hiện nay, thường trên 10%/năm, nên có sức hấp dẫn hơn so với các lĩnh vực khác.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ngân hàng đa dạng hóa danh mục trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khó khăn không phải là xấu. Thực tế, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng vẫn khả quan trong 9 tháng đầu năm là nhờ sự “xoay chuyển” này. Tuy nhiên, việc ngân hàng tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến cơ quan quản lý lo lắng và có lẽ đó cũng là lý do khiến cơ quan quản lý phải lên tiếng.
Cấm ngân hàng có nợ xấu 3% mua trái phiếu
Báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán SSI đã đưa ra những cảnh báo hiện tượng trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo hay tài sản đảm bảo độ tin cậy thấp, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang tạo ra "tài sản ảo", không dựa trên thực lực của mình. Thế nhưng, tỷ lệ thành công của các đợt phát hành trái phiếu này vẫn lên tới 95%. Điều đó ẩn chứa nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Thực tế, lâu nay các chuyên gia cũng liên tục có những cảnh báo rủi ro khi ngân hàng đổ mạnh vốn mua trái phiếu doanh nghiệp và trong số đó rất có thể ngân hàng “lách” luật cho vay đảo nợ bằng trái phiếu.
Ngoài ra, sau khi mua trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng sẽ phân phối ra thị trường, bán cho nhà đầu tư thứ cấp, với những trái phiếu không có tài sản đảm bảo chẳng khác nào nhà băng đang “nhường” toàn bộ rủi ro cho nhà đầu tư.
Qua công tác kiểm tra hoạt động của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động, nhưng thực tế là huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác...
"Điều này khiến ngân hàng khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, dòng tiền từ nguồn phát hành trái phiếu, tình hình thực hiện dự án", NHNN nhận định.
Trước thực trạng trên, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng với quy định chặt chẽ hơn. NHNN cho biết, những quy định này xuất phát từ thực tiễn quản lý cho thấy có những rủi ro trong hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại.
Trong dự thảo, NHNN đưa ra quy định ngân hàng thương mại chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm trước liền kề; trừ trường hợp mua theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Các chuyên gia đánh giá, quy định này nhằm hạn chế tổ chức tín dụng không kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhưng vẫn mua bán trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng…
Dù vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù NHNN đã có quy định về hạn mức tín dụng với người liên quan, song thực tế, nhiều khoản giao dịch trái phiếu giữa ngân hàng với công ty “cháu chắt” là giao dịch đảo nợ mà NHNN không kiểm soát hết được.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc siết chặt hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng là rất cần thiết, vừa tránh rủi ro cho ngân hàng, doanh nghiệp, vừa bảo vệ nhà đầu tư.
Thanh Hoa