Ảnh chụp màn hình một số cuộc gọi đòi nợ vô cớ của công ty tài chính đến số thuê bao của anh Đ.L |
Trong ngày 15/2, số thuê bao Vinaphone của anh Đ.L (Hà Nội) liên tục nhận được điện thoại từ đầu số thuê bao khác nhau với cùng một nội dung đòi nợ từ một công ty tài chính tương đối có tên tuổi, dù xưa nay anh chưa từng vay nợ doanh nghiệp này dưới bất kỳ hình thức nào.
Sửa quy định vẫn khó “chặn”?
Hoạt động cho vay tiêu dùng trên thị trường đã phát triển hơn 10 năm qua. Trong giai đoạn đầu, các công ty tài chính không cho vay bằng tiền mặt, mà chỉ cho khách hàng vay mua hàng hóa nhằm phục vụ nhu cầu đời sống như xe máy, điện thoại, tivi, tủ lạnh... Người vay cũng phải có số tiền nhất định ban đầu.
Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động cho vay tiền mặt của các công ty tài chính phát triển chóng mặt, nhiều người chưa từng vay cũng được chào mời, quá trình xét duyệt ngày càng được đẩy nhanh để cạnh tranh với các ứng dụng (app) cho vay ngang hàng mọc lên như nấm sau mưa.
Các công ty tài chính có xu hướng “thả lỏng” hơn các điều kiện về thẩm định khách hàng, giấy tờ, hồ sơ vay vốn, khiến thông tin khách hàng không chính xác, nên khi xảy ra nợ xấu, các công ty tài chính chỉ còn cách gọi điện đòi nợ theo số điện thoại ghi trong hồ sơ. Đây chính là lý do khiến nhiều người bị đòi nợ oan.
Mặt khác, rất nhiều phản ánh của khách hàng liên quan đến việc công ty tài chính áp lãi vay "cắt cổ", cho vay thả ga rồi sau đó đòi nợ khủng bố.
Trước tình trạng phức tạp của hoạt động cho vay tiền tại các công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 18 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, có hiệu lực từ 1/1/2020.
Tại thông tư này, NHNN siết lại các lỗ hổng trong hoạt động cho vay và đòi nợ thời gian qua của các công ty tài chính. Trong đó, quy định các công ty tài chính cũng không được nhắc nợ, đòi nợ người không vay nợ và phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc NHNN siết chặt quản lý đối với các công ty tài chính tiêu dùng vẫn không làm giảm được việc quấy rối khách hàng của một số công ty tài chính.
Không vay tiền vẫn bị truy nợ
Trong ngày 15/2, số thuê bao Vinaphone của anh Đ.L (Hà Nội) liên tục nhận được cuộc điện thoại từ đầu số thuê bao khác nhau với cùng một nội dung đòi nợ từ một công ty tài chính lớn, dù xưa nay anh chưa từng vay nợ doanh nghiệp này dưới bất kỳ hình thức nào.
Khảo sát thực tế của phóng viên cũng cho thấy chuyện khách hàng không vay tiền song vẫn bị một số tổ chức tín dụng liên tục gọi điện thoại đòi nợ, nhắc nợ, đe dọa... không phải là hiếm
Cuối năm 2019, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), cho biết cơ quan này ghi nhận rất nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc bị gọi điện, nhắn tin với mục đích đe dọa, nhắc nợ dù không vay nợ từ tổ chức, đơn vị liên quan.
Người tiêu dùng khiếu nại việc không vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ, mặc dù người tiêu dùng đã nhiều lần thông báo về việc không liên quan đến khoản nợ của doanh nghiệp.
Một số vụ việc, đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của người tiêu dùng, của người thân của người tiêu dùng để đăng tải công khai trên các mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây áp lực trả nợ cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, một số vụ việc người tiêu dùng thực hiện giao dịch tại các trang web cho vay trực tuyến, đã thanh toán xong khoản vay nhưng sau một thời gian bị nhiều đối tượng liên hệ để đe dọa, gây áp lực trả tiếp khoản vay đã trả.
Để tránh tình trạng bị quấy rối, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hằng ngày, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hướng dẫn một số “chiêu”: -Ưu tiên thực hiện giao dịch vay tại các công ty tài chính, ngân hàng đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực cho vay bởi NHNN. -Trường hợp cần thiết khi thực hiện vay tại các mô hình cho vay trực tuyến thì nên lựa chọn các công ty có website cụ thể, thông tin rõ ràng, đầy đủ (địa chỉ công ty, số điện thoại, email liên hệ…). Hiện có một số công ty sử dụng địa chỉ giả, địa chỉ tại nước ngoài, số điện thoại liên hệ thu cước đắt (5.000 đồng/phút)… nhằm gây khó khăn cho người tiêu dùng trong quá trình liên hệ. - Tham khảo các thông tin trên mạng Internet, hỏi người thân, bạn bè để có thêm thông tin tham khảo về công ty cung cấp dịch vụ. - Khi thực hiện vay, cần lưu ý việc yêu cầu cung cấp hợp đồng để tìm hiểu trước khi ký và lưu trữ sau khi ký kết. |
Huyền Anh