Tín dụng tiêu dùng đang trong thời kỳ tăng trưởng mạnh cả cung lẫn cầu. Đi tới đâu cũng dễ dàng bắt gặp các quảng cáo chào mời cho vay tiền thủ tục nhanh gọn, giải ngân trong ngày với các khoản vay dao động trong khoảng từ một vài triệu đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Lãi cao ngất ngưởng
Báo cáo gần đây của công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, chi phí vốn đầu vào của các công ty tài chính thường cao hơn ngân hàng, chi phí hoạt động cũng lớn do khoản vay nhỏ, kỳ hạn ngắn.
Tuy nhiên, NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) của các công ty tài chính tiêu dùng thuộc nhóm đầu thị trường thường đạt 26-38%, trong khi NIM của các ngân hàng thương mại chỉ dao động 2-4,5%.
Ghi nhận thực tế của Thời báo Kinh Doanh cũng cho thấy, Home Credit, FE Credit, HD Saison… là ba công ty tài chính có mức tăng trưởng đứng đầu thị trường hiện nay có tỷ lệ NIM đạt trên 27%.
Cụ thể, năm 2017, hệ số NIM của HD Saison đã đạt đến 27,38%, FE Credit là 27,7%, còn Home Credit cũng đạt trên 27%.
Theo báo cáo tài chính năm 2017, mức tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế của VPBank trong năm 2017 đạt gần 65%, tương đương 8.126 tỷ đồng và 6.438 tỷ đồng.
Đáng chú ý, con số tổng lợi nhuận này không đến từ hoạt động kinh doanh truyền thống của nhà băng này, mà có sự đóng góp đến 51% từ công ty tài chính FE Credit.
Các chuyên gia dự báo, trong năm 2018, tỷ lệ NIM tại FE Credit sẽ giảm 70 điểm cơ bản từ mức mức 27,7% năm 2017 nhằm đảm bảo tăng trưởng cho vay. Tuy nhiên, lợi suất từ thị trường tài chính tiêu dùng sẽ hỗ trợ tích cực cải thiện NIM của VPBank lên 9,42% năm 2018.
Theo tính toán của VCSC, nếu cho vay tiêu dùng 100 đồng, NIM của công ty tài chính là 26% thì sẽ lãi đến 26 đồng. Trong khi đó, các ngân hàng cho vay 100 đồng chỉ lãi 2-4,5 đồng.
Chính vì biên độ lãi suất cho vay quá hấp dẫn nên các ngân hàng thi nhau nhảy vào lĩnh vực này như: SHB, Maritime Bank, MB, VPBank…_và cạnh tranh nhau quyết liệt để thu hút khách hàng, từ đó tạo ra ngày càng nhiều những rủi ro tiềm ẩn.
Có một thực tế không thể phủ nhận là tín dụng tiêu dùng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều ngân hàng. Ngoài ra, hỗ trợ cho người vay, giúp nhiều hộ gia đình tích lũy tài sản, chi tiêu thông minh nhất.
Tỷ lệ lãi cận biên của FE Credit trong năm 2017 là 27,7% |
Vẫn có mặt trái
Tuy nhiên, mặt trái của tín dụng tiêu dùng cũng không phải nhỏ đối với cả người đi vay và doanh nghiệp cho vay.
Đối với ngân hàng, công ty tài chính, rủi ro lớn nhất là hướng tới nhóm khách hàng "dưới chuẩn", các khoản vay phần lớn là tín chấp.
Trong khi đó, hoạt động quản lý rủi ro chưa thật sự hiệu quả, khi mà thông tin quản lý hồ sơ tín dụng cá nhân tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Chưa có một quy chuẩn về điều kiện cho vay, mỗi nơi áp dụng một bộ tiêu chí cho vay riêng. Đặc biệt ở các công ty tài chính, điều kiện cho vay thấp hơn rất nhiều so với tín dụng ngân hàng, dẫn đến rủi ro về nợ xấu tăng cao.
Nhìn chung, để được vay, thông thường khách hàng chỉ cần cung cấp giấy tờ chứng minh nơi ở, thu nhập và Chứng minh thư nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các chi tiết này có thể bị làm giả từ phía người cần vay._
Anh N.T, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội, cho biết vừa mua một chiếc xe ô tô trả góp. Tuy nhiên, để vay được 80% giá trị chiếc xe, anh T. đã nhờ cơ quan xác nhận bảng lương điều chỉnh cao hơn số lương thực nhận.
"Theo tư vấn của nhân viên tín dụng, nếu với mức lương hàng tháng là 7 triệu, tôi chỉ có thể vay được khoảng 50% giá trị chiếc xe, vì thế tôi phải nhờ cơ quan xác nhận lên mức 15 triệu đồng/tháng để được vay với giá trị cao hơn", anh T. tiết lộ.
Bên cạnh đó, khi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn thì cũng sẽ phải chịu thiệt phần nào. Trước mắt, sự thiệt thòi đó nằm chính ở lãi suất cho vay. Mức lãi suất trung bình hiện tại của các công ty tài chính tiêu dùng đang dao động từ 30%-50%/năm.
Ở các ngân hàng, mức lãi suất trong thời gian đầu thường rất thấp, sau đó lãi suất sẽ được tính theo biên độ, lãi vay có thể tăng lên từ 15-20%.
Chị Mai Hương vay 300 triệu đồng để mua nhà, do không đọc kỹ điều khoản hợp đồng, sau 6 tháng, số tiền gốc và lãi phải đóng tăng vọt. Thắc mắc với nhân viên ngân hàng, chị Hương mới tá hỏa được biết, lãi suất 6 tháng đầu là 8% là nhờ được hưởng ưu đãi, từ tháng thứ 7 trở đi phải đóng lãi lên tới 11,5% cộng với biên độ.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, trước khi đặt bút ký vào hợp đồng vay tín dụng, khách hàng phải đọc kỹ các điều khoản, đặt biệt là nghiên cứu kỹ mức lãi suất sau thời gian ưu đãi và biên độ lãi suất được tính sau đó để tranh tình trạng rơi vào "bẫy lãi suất".
Huyền Anh