Trong báo cáo nhận định về ngành ngân hàng được nhiều tổ chức công bố mới đây đều có chung nhận định lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý I và cả năm 2022 được hỗ trợ bởi yếu tố thu phí dịch vụ, mà nổi bật là mảng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).
Trợ lực đến từ bancassurance
Chứng khoán Yuanta vừa dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng bao gồm 27 ngân hàng niêm yết trong quý I/2022 tăng 28% so với quý liền kề trước đó và tăng 11% so với cùng kỳ, đóng góp từ tăng trưởng tín dụng và thu nhập phí, trong đó động lực chính đến từ bancassurance.
Lực đẩy cho khoản lợi nhuận "khủng" của nhiều ngân hàng đến từ thương vụ bancassurance độc quyền. |
“Thu nhập phí sẽ tiếp tục là động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận trong tương lai, phần lớn đến từ doanh thu bancassurance và phí dịch vụ thẻ. Doanh thu bancassurance và đặc biệt là khoản phí trả trước từ các thương vụ bancassurance độc quyền vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 ví dụ như của Vietinbank và VPBank là động lực hỗ trợ thu nhập phí trong Q1/2022 và những quý tiếp theo”, Yuanta.
Cũng tại báo cáo vừa phát hành, công ty chứng khoán SSI dự báo các dịch vụ thu phí của ngành ngân hàng dự kiến tăng mạnh từ cả mảng dịch vụ thanh toán (phục hồi khi nối lại thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại) và hoạt động bancassurance.
Trong đó, thị trường bancassurance dự báo vẫn tiếp tục sôi động sau những thương vụ ký kết thành công giữa một số ngân hàng như MSB, Sacombank với các công bảo hiểm là Manulife, Prudential.
Còn theo ước tính của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2022 của VPBank đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả này hoàn thành 44,5% dự báo lợi nhuận cả năm của VCSC dành cho VPBank.
Lực đẩy cho khoản lợi nhuận "khủng" này đến từ thương vụ gia hạn hợp đồng bancassurance độc quyền.
Cụ thể, trong năm 2017, VPBank và AIA đã ký kết hợp đồng bancassurance độc quyền kéo dài 15 năm để cung cấp cho khách hàng VPBank các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm nhân thọ do AIA cung cấp. Vào tháng 3/2022, VPBank thông báo rằng quan hệ hợp tác sẽ được gia hạn thêm 4 năm với thời hạn của thương vụ độc quyền tăng từ 15 năm lên 19 năm.
Một chuyên gia kinh tế nhận định, hoạt động bán chéo bảo hiểm được đẩy mạnh là bởi nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ thu nhập phí bảo hiểm thuần. Đặc biệt, tại một số ngân hàng Techcombank, VIB... đã xây dựng các nền tảng bán bảo hiểm số, giúp giảm thời gian và tăng hiệu quả bán bảo hiểm. Đó là chưa kể mức hoa hồng chi trực tiếp cho nhân viên.
"Qua trao đổi của chúng tôi với VPBank, khoản phí ứng trước từ giao dịch bancassurance với AIA khoảng 5.000 tỷ đồng sẽ được ghi nhận toàn bộ trong quý I/2022 thay vì phân bổ trong 5 năm theo giả định của chúng tôi. Nếu loại trừ thu nhập bất thường từ phí ứng trước bancassurance, lợi nhuận trước thuế quý I/2022 đạt 6.000 tỷ đồng, cao hơn kỳ vọng của chúng tôi là 4.800 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng việc ghi nhận phí ứng trước trong một lần sẽ có tác động tích cực đến tâm lý thị trường", phía VCSC cho biết.
Thêm những hợp đồng hợp tác độc quyền mới
Theo tìm hiểu của VnBusiness, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm những năm gần đây dẫn đến cạnh tranh gay gắt, đến nay đã có 26 ngân hàng tại Việt Nam có hợp tác phát triển bảo hiểm nhân thọ.
Rõ ràng, nguồn thu từ bancassurance đang được các ngân hàng đẩy mạnh và ngày càng có nhiều thương vụ ký kết độc quyền giữa các ngân hàng và công ty bảo hiểm với giá trị lên đến hàng chục triệu USD, nhất là sau khi dịch COVID-19 diễn ra làm nguồn thu chính bị ảnh hưởng.
Xét về nhiều yếu tố, bancassurance mang đến lợi ích cho tất cả các bên: Ngân hàng, công ty bảo hiểm lẫn khách hàng.
Về phía ngân hàng, bancassurance giúp ngân hàng có thêm sản phẩm, thêm nguồn thu nhập từ hoa hồng và phí bảo hiểm. Cũng nhờ dịch vụ cung cấp bảo hiểm cho khách hàng, ngân hàng mở rộng thêm tệp khách hàng sử dụng các dịch vụ như thu phí chuyển khoản, ATM, thẻ tín dụng… qua đó tăng thu nguồn thu ngoài lãi.
Đại diện Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, doanh số APE tháng 2/2022 tại ngân hàng đạt 108 tỷ đồng, sau đó, tháng 3 MB tiếp tục bùng nổ với con số 190 tỷ đồng. Với kết quả này, MB chính thức đứng Top 1 trong thị trường bancassurance tại Việt Nam.
Tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích, nhà đầu tư hồi đầu năm, CEO MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Ở mảng thu phí, MSB ghi nhận khoản thu lớn từ hợp đồng bancassurance với Prudential. Doanh số bán bảo hiểm cũng tăng trưởng tốt, luôn nằm trong top 10 của thị trường, dự kiến doanh thu phí Bancassurance năm 2022 tăng 50-51%.
Nhờ các lợi ích này, nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch mở thương vụ ký kết mới. Theo SSI, năm 2022, các thương vụ mới được kỳ vọng là việc ký kết giữa VietinBank và Manulife; Techcombank và VPBank tiếp tục đàm phán lại với Manulife và AIA; HDBank và LienVietPostBank có thể ký kết hợp đồng bancassurance độc quyền mới.
Huyền Anh