Bancassurance là xu hướng phát triển tất yếu và động lực tăng trưởng quan trọng của các ngân hàng. |
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, kéo dài nhưng nhiều ngân hàng vẫn tự tin phấn đấu lợi nhuận tăng trưởng nhờ đa dạng hóa nguồn thu hiệu quả, trong đó nguồn thu từ bancassurance trở thành trụ cột chính.
Giá trị hợp đồng ngày càng lớn
Tại ĐHĐCĐ của Vietcombank mới đây, ngân hàng này cho biết, riêng ba tháng đầu năm, lợi nhuận đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngân hàng thu khoảng 390 tỷ đồng từ bancassurance, vượt xa cùng kỳ năm ngoái.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, tới nay, hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền giữa Vietcombank và FWD vẫn là giao dịch có quy mô kỷ lục mà chưa ngân hàng nào vượt qua. Trong khi năm ngoái, Vietcombank đứng thứ 13 về phân phối bảo hiểm nhân thọ thì tới quý I năm nay, nhà băng đã vươn lên vị trí thứ 8.
Dự kiến cả năm 2021, ngân hàng hạch toán 1.750 tỷ đồng từ khoản phí upfront (phí trả trước) từ hợp đồng bancassurance và 1.100 tỷ đồng từ hoa hồng bán bảo hiểm nếu đạt kế hoạch. Gộp chung lại, ngân hàng ghi nhận khoản thu 2.800 tỷ từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền với FWD trong năm nay.
Tại ĐHĐCĐ năm 2021 mới đây, trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch bancassurance, lãnh đạo ngân hàng HDBank cho biết, trước đây mảng bancassurance có hợp tác với Daichi Life nhưng dừng lại và gần đây ngân hàng mới khởi động lại chương trình này từ quý IV/2020, nhưng đã ghi nhận kết quả tích cực. "Bước sang năm 2021, dư địa cho thu dịch vụ còn rất lớn từ mảng bancassurance bắt đầu trở lại với kế hoạch thu nhập phí tới trên 1.000 tỷ đồng", lãnh đạo HDBank cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực HDBank, giá trị một hợp đồng bancassurance ngày càng lớn và tăng với tỷ lệ đột biến. Vài năm trước giá trị độc quyền trên dưới 150 triệu cho 15 năm.
Gần đây nhất là thương vụ bán chéo sản phẩm bảo hiểm-ngân hàng của Vietcombank có phí trả trước lên đến 400 triệu USD. Hay như giá trị giao dịch của ACB lên đến 370 triệu USD.
“Từ đó chúng ta có cơ sở để đánh giá được giá trị thỏa thuận độc quyền này. HDBank sẽ đạt giá trị thu phí độc quyền trả trước bancassurance kỳ vọng tốt hơn nhiều so với trước đây trong năm nay hoặc năm tới”, bà Thảo nói.
Trong khi đó, SCB cho biết ngân hàng hiện thuộc Top 3 ngân hàng TMCP có tốc độ phát triển mảng bancassurance trên thị trường. Với xu hướng phát triển của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, SCB có thể tận dụng vị thế và tiềm năng có sẵn của mình để mở rộng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm và liên kết với nhiều đối tác hơn nữa.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận
Theo các chuyên gia, bancassurance là xu hướng phát triển tất yếu và động lực tăng trưởng quan trọng của các ngân hàng. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - ngân hàng, đánh giá, việc liên kết với công ty bảo hiểm giúp ngân hàng có nhiều lợi thế trong phát triển kinh doanh, khai thác dịch vụ. Tham gia phân phối bảo hiểm, ngân hàng được chia lợi nhuận, không phải tăng nguồn vốn dự trữ bắt buộc như các dịch vụ khác.
Chẳng hạn, nhờ thế mạnh trong mảng bancassurance nói riêng cũng như nỗ lực trong việc kinh doanh và phát triển hoạt động dịch vụ nói chung, tính đến hết quý I/2021, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của SCB đạt gần 420 tỷ đồng, tương đương 23,7% tổng thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2020, tăng 155,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Matthew Smith, Giám đốc Nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán YUANTA Việt Nam, nhận định: “Đây là cách để các ngân hàng có thể nâng cao thu nhập mà không cần phân bổ nhiều vốn, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu nhờ đó mà có thể tăng rất nhanh”.
Trên đà phát triển, thị trường bancassurance được dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Nguồn thu từ bancassurance của nhiều nhà băng cũng sẽ tăng trưởng tốt.
Đại diện Công ty cổ phần FinGroup - chuyên nghiên cứu về tài chính - ngân hàng dự báo, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021 của các ngân hàng thương mại niêm yết sẽ ở mức 18,2% (cao hơn năm 2020 là 14,9%). Trong đó, các ngân hàng được dự báo có lợi nhuận tăng mạnh thuộc về nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh như: Vietcombank (14,9%), BIDV (41,3%) và VietinBank (41,9%).
"Triển vọng tích cực này đến từ cả hoạt động tín dụng và về doanh thu dịch vụ, trong đó đặc biệt là thu nhập bán chéo bảo hiểm (bancasurance) của nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, ACB, MSB và HDBank," đại diện Công ty FinGroup nhận định.
Thanh Hoa