Một số chuyên gia cho rằng trong năm nay, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu sẽ xử lý dứt điểm nợ tại công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nên phải hy sinh tăng trưởng lợi nhuận, nhưng bù lại sẽ tạo được sức bật mạnh trong những năm tiếp theo.
"Câu lạc bộ 10.000 tỷ" thêm nhiều ứng viên
Đứng đầu về lợi nhuận trong ngành ngân hàng năm 2018 là Vietcombank – lợi nhuận trước thuế lên tới 18.269 tỷ đồng, tăng trưởng 61% so với con số đạt được trong năm 2017.
Trong tài liệu họp Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2019 gửi trước cho cổ đông, Vietcombank đặt kế hoạch lợi nhuận lên tầm cao mới, hướng tới gần mốc 1 tỷ USD khi đặt mục tiêu 20.500 tỷ đồng – mức cao nhất trong lịch sử.
Trong khi đó, với mức lợi nhuận năm 2018 đạt 10.600 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ, Techcombank soán vị trí của VietinBank, vươn lên đứng thứ hai về lợi nhuận trong hệ thống.
Tại phiên họp ĐHCĐ 2019, các cổ đông của Techcombank đã nhất trí với mục tiêu lợi nhuận dự kiến trước thuế mà HĐQT đặt ra là 11.750 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 10%. Với mục tiêu này, Techcombank tiếp tục duy trì vị trí thứ hai về lợi nhuận trong hệ thống.
Cùng với đó, các cổ đông cũng đã đồng thuận cao với kế hoạch của Techcombank tiếp tục giữ lại lợi nhuận để đầu tư vào các sáng kiến giúp tăng vốn chủ sở hữu và tạo đà cho tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Đây là chiến lược đã tạo nên sự thành công cho Techcombank khi giúp tăng vốn chủ sở hữu gấp 3 lần trong vòng 3 năm vừa qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng các nhà băng vượt mức lợi nhuận 10.000 tỷ trong năm nay sẽ không chỉ dừng ở con số 2. Nhiều ngân hàng khác như BIDV, Agribank, MB, VPBank… sẽ là ứng viên tiếp theo của "câu lạc bộ 10.000 tỷ".
Năm 2018, lần đầu tiên Agribank ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục 7.525 tỷ đồng. Trên đà tăng trưởng đó, ngân hàng tiếp tục lên kế hoạch mới với 10.000 tỷ đồng trong năm nay.
BIDV cũng không nằm ngoài tham vọng này. Trong kế hoạch kinh doanh năm nay, BIDV đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng 12% và trong giới hạn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao; huy động vốn tăng trưởng 11%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 10.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng là ứng viên tiềm năng khi đặt mục tiêu lợi nhuận sát với "mốc" 10.000 tỷ như MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.560 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2018.
VietinBank cũng vừa được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm nay đạt 9.500 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của riêng ngân hàng mẹ đạt tối thiểu 9.000 tỷ đồng.
Kế hoạch lợi nhuận năm 2019 của top 16 ngân hàng |
Dồn lực dứt điểm nợ xấu
Dù một số ngân hàng đang hướng tới con số 10.000 tỷ, 20.000 tỷ đồng, nhưng một điều dễ nhận thấy là kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm nay của hầu hết các nhà băng nhìn chung khá dè dặt, thấp hơn nhiều so với tốc độ đạt được trong năm trước.
Khảo sát của Thời báo Kinh Doanh tại 16 ngân hàng cho thấy, trong top 4 ngân hàng trong câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng chỉ có Agribank có tốc độ tăng trưởng là 32,9%. Ba ngân hàng còn lại có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với năm ngoái: Vietcombank tăng 12,2%, Techcombank giảm mạnh so với năm 2017, còn 10% và BIDV là 10,8%.
Đáng chú ý, hai ngân hàng VPBank và MB cũng không nằm ngoài xu hướng này khi mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận giảm mạnh. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của VPBank chỉ còn 3,3%, trong khi cùng kỳ năm trước là 13%; MB là 13%, cùng kỳ là 68,3%.
Tuy nhiên, một số ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ hơn lại đặt mục tiêu tăng trưởng khá cao như: OCB là 45%, SHB: 46,5%, MaritimeBank: 76,3%, LienVietPostBank: 56,6%…
Theo đánh giá của giới chuyên gia, lý do quan trọng hơn tác động tới kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng là viễn cảnh chung của thị trường không được tích cực như những năm trước.
Tín dụng vẫn là lĩnh vực kinh doanh mang lại nguồn thu chính, chiếm 70-80% trong cơ cấu tổng nguồn thu tại đa số các ngân hàng, sẽ khó có thể bứt phá trong năm nay khi giới hạn tăng trưởng tín dụng tiếp tục được NHNN duy trì ở mức 14%.
"Chủ trương này dự kiến sẽ nối tiếp trong những năm tiếp theo. Có thể lường trước năm tới sẽ rất hạn chế những trường hợp có tăng trưởng tín dụng từ 20% và rất khó để thấy tốc độ cỡ 25 – 40% như trước đây", một chuyên gia nhận định.
Ngoài ra, trong năm nay, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu sẽ xử lý dứt điểm nợ tại VAMC. Đây là một thách thức không nhỏ khi chi phí dự phòng rủi ro dự báo sẽ tiếp tục chiếm một khoản lớn trên tổng lợi nhuận của ngân hàng.
"Để giải quyết được dứt điểm nợ xấu, ngân hàng phải hy sinh tăng trưởng lợi nhuận, nhưng bù lại sẽ tạo được sức bật mạnh trong những năm tiếp theo", một chuyên gia phân tích.
Hoàng Hà