Tính đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có 6 ngân hàng thương mại (NHTM) thông báo đã mua lại toàn bộ nợ xấu ở VAMC là Vietcombank, Techcombank, MB, OCB, VIB và ACB.
Nguồn dự phòng và khả năng thu hồi nợ tốt khiến nhiều NHTM mạnh dạn trong các kế hoạch xử lý nợ xấu (Ảnh Internet) |
Theo nhận định của giới chuyên gia, các ngân hàng có xu hướng mua ngược lại nợ xấu, làm sạch nợ tại VAMC. Việc mua lại nợ xấu đã bán sẽ giúp các ngân hàng có thể chủ động xử lý các khoản nợ xấu này nhanh hơn, nhất là khi hàng loạt quy định về giải pháp xử lý nợ xấu đột phá đã được chính thức ban hành qua Nghị quyết 42 của Quốc Hội.
Đặc biệt, xu hướng này cũng đang tiếp tục lan rộng, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức thấp, các ngân hàng có được lợi nhuận khá cao trong những năm qua.
Trong tài liệu gửi đến cổ đông, một số ngân hàng như: TPBank, Kienlongbank, VPBank, BIDV, Eximbank, SHB… cũng đã lần lượt công bố kế hoạch mua lại nợ, tất toán trái phiếu đặc biệt trong năm nay.
Chẳng hạn, tại ĐHCĐ ngày 23/4, HĐQT TPBank cho biết, dự kiến trong năm nay TPBank mua lại toàn bộ hoặc một phần trái phiếu VAMC, tùy theo số vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2019 của BIDV, ngân hàng này cho biết sẽ tăng cường các biện pháp thu hồi nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu nội bảng, nợ ngoại bảng, nợ đã bán cho VAMC và tất toán toàn bộ số trái phiếu VAMC trong năm nay.
VPBank cũng cho hay, ngân hàng muốn tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm nay, hiện đang ở mức 3.160 tỷ đồng. Với mục tiêu này, VPBank đã đưa ra mục tiêu lợi nhuận ở mức khiêm tốn, 9.500 tỷ đồng đồng, tức chỉ tăng 3% so với năm 2018.
Tương tự, Kienlongbank cũng mạnh dạn đặt mục tiêu tất toán toàn bộ 100% trái phiếu đặc biệt đã bán cho VAMC trước ngày 31/12/2019.
Trong khi đó, Eximbank cũng muốn mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC vào năm 2020.
Theo các chuyên gia, việc mua lại nợ xấu của VAMC sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi nợ xấu nội bảng của ngân hàng cũng phải ở mức thấp và có phần lợi nhuận đủ dồi dào để trích lập dự phòng rủi ro của các khoản nợ nhận về.
Việc trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu cũng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận nhiều ngân hàng bị “bào mòn” những năm trở lại đây.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để thay thế cho Thông tư số 19/2013/TT-NHNN.
Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo này là quy định các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.
Nếu dự thảo được thông qua, cổ đông của nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục “dài cổ” chờ cổ tức tiền mặt. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, quy định trên là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu.
Hoàng Hà